Reports / Mô hình kinh tế

Khủng Hoảng Vùng Nguyên Liệu

Publish date: Monday. July 28th, 2014

Đồng Nai đã hình thành được một số chuỗi liên kết giữa sản xuất và chế biến trong nông nghiệp, như: cây điều, cây mía, ca cao…

Việc giữ vùng nguyên liệu cho ngành chế biến rất quan trọng. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu trên đang dần bị thu hẹp vì hiệu quả kinh tế thấp.

* Thiếu nguyên liệu ngay vùng nguyên liệu 

Với khoảng 44.770 hécta, cây điều đang đứng ở tốp đầu về diện tích canh tác tại Đồng Nai và cả nước. Đây vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh vì theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai nằm trong vùng trọng điểm phát triển cây điều của cả nước.

Nhưng lợi nhuận thấp là nguyên nhân khiến nông dân chặt bỏ cây điều và tình trạng này vẫn đang tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu điều trong nước chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu của ngành chế biến. Khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất cũng là tình trạng chung của ngành chế biến mía đường và ca cao.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó tổng giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, cho biết vấn đề lo lắng nhất hiện nay của nhà máy là thiếu nguyên liệu chế biến.

Năm 2013, nhà máy ép được 250 ngàn tấn mía, chỉ đáp ứng hơn 2/3 công suất hoạt động và cần mở rộng hàng ngàn hécta mía mới đáp ứng đủ nhu cầu chế biến. “Chúng tôi đang có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang cây mía, tập trung tại các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Do đa số nông dân trồng mía với diện tích nhỏ lẻ khiến lợi nhuận từ cây trồng này chưa cao. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và máy móc nhằm tăng năng suất, chất lượng” - ông Cường nói.

* Đi tìm lời giải

Trước mắt, nhiều địa phương lẫn nông dân đang chọn cách tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất để giữ vùng nguyên liệu nhằm đối phó với việc các vùng nguyên liệu dần biến mất do giá đầu ra thấp.

Anh Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), chia sẻ: “Doanh nghiệp đã đầu tư mạnh về máy móc, thiết bị tăng công suất chế biến rượu và các sản phẩm từ ca cao lên gấp nhiều lần so với trước. Nhờ chủ động được khâu sản xuất, thời gian qua, doanh nghiệp luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá tốt, ổn định. Các sản phẩm của đơn vị có cơ hội xuất khẩu tốt qua các thị trường, như: châu Phi, Nhật, Hàn Quốc…

Để đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết với nông dân để mở rộng thêm 1 ngàn hécta ca cao trong năm 2015 và phát triển lên 5 ngàn hécta vào năm 2019”.

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, nhận xét: “Vì địa phương có những lợi thế khi đầu tư cho cây mía, như: vùng đất này có truyền thống phát triển cây mía do phù hợp về thổ nhưỡng, nông dân giỏi nghề; có nhà máy chế biến đặt ngay tại vùng nguyên liệu...

Hiện địa phương và doanh nghiệp chế biến mía đường đang xây dựng đề án mở rộng thêm 500 hécta cây mía. doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân từ 12-15 triệu đồng/hộ để chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả hơn sang trồng mía”. Ngoài ra, nông dân cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác về giống, phân bón, vốn để đầu tư mua máy móc, thiết bị...

Theo đó, mục tiêu của địa phương là khuyến khích nông dân đầu tư phát triển loại cây trồng có đầu ra ổn định, bền vững. Ở đây, những cây trồng có hiệu quả sẽ thuyết phục nông dân đầu tư chứ không phải là mô hình áp đặt buộc họ phải theo.

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Donafoods, lý giải hiệu quả kinh tế của cây điều thấp là do các vườn điều đã già cỗi, năng suất, chất lượng đều không đạt. Theo ông Trí: “Cần có chính sách hỗ trợ để nông dân nhanh chóng cải tạo, trồng mới vườn điều.

Doanh nghiệp cũng rất quan tâm việc tổ chức thu mua, giảm bớt khâu trung gian để có giá tốt hơn cho nông dân. Nhưng doanh nghiệp không thể ký hợp đồng bao tiêu trực tiếp với nông dân mà phải thông qua các hợp tác xã, câu lạc bộ. Để thực hiện chuỗi liên kết này, các hợp tác xã, câu lạc bộ phải nâng cấp lên để có đủ năng lực làm đối tác hợp tác với doanh nghiệp”.


Related news