Reports / Mô hình kinh tế

Hoà Mỹ Phát Triển Mô Hình Tôm Lúa

Publish date: Sunday. February 2nd, 2014

Từ sau chuyển dịch cơ cấu sản xuất năm 2001, nông dân xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) thực hiện mô hình lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Qua thời gian “con tôm ôm cây lúa” đã chứng minh hướng đi đúng đắn trên bước đường chuyển dịch sản xuất.

Hầu hết các ấp đều được Hội Nông dân xã hướng dẫn thực hiện mô hình sản xuất tôm - lúa, nhưng mang lại hiệu quả cao, nhất là các ấp: Thị Tường B, Thị Tường, Cái Bát. Trong đó, Thị Tường B là ấp có diện tích lúa - tôm lớn nhất xã với 275 ha/560 ha lúa - tôm của toàn xã.

Tuỳ theo diện tích đất lớn hay nhỏ mà mỗi hộ nông dân tiến hành nuôi, trồng với nhiều hình thức khác nhau. Có nhiều hộ kết hợp nuôi tôm - trồng lúa trên một diện tích rộng, nhiều hộ chỉ khoanh ngọt khoảng vài héc-ta để tiện cho việc sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Mỹ, cho biết: “Nhận thức được lợi ích kinh tế mang lại từ mô hình trên nên ngày càng có nhiều hộ dân tham gia. Nhìn chung, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập kinh tế ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Ly, ấp Thị Tường B, là hộ nông dân điển hình thực hiện thành công mô hình lúa - tôm kết hợp. Tính từ năm 2001 đến nay, gia đình ông thu hoạch trên 1.000 giạ lúa. Gia đình ông Ly làm kết hợp lúa - tôm trên diện tích gần 1,5 ha, mỗi năm thu hoạch lúa trên 200 giạ. Mỗi vụ sản xuất, chi phí tiền lúa giống, nhân công, phân, thuốc dưới 5 triệu đồng. Thu hoạch tôm xen kẽ hằng tháng cũng mang lại lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Văn Ly chia sẻ, từ lúc chuyển dịch cơ cấu sản xuất gia đình cũng muốn giữ lại một phần đất để khoanh ngọt làm lúa. Nhờ Hội Nông dân xã phát động và hướng dẫn mô hình nên giờ đây tôi vừa giữ được cây lúa, vừa nuôi tôm, thu nhập tương đối ổn định. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và quy trình sản xuất thì hằng năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Thuận lợi trong việc sản xuất tôm - lúa chính là sự đồng thuận rất cao của nông dân. Nhiều hộ nông dân không ngại khó khăn, cố gắng duy trì mô hình, tìm tòi nhiều biện pháp nâng cao năng suất tôm, lúa. Bà con được tập huấn kỹ thuật sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm do Hội Nông dân xã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Phòng Nông nghiệp huyện Cái Nước tổ chức.

Song, phải thừa nhận rằng việc sản xuất tôm - lúa ở Hoà Mỹ cũng đang có những khó khăn khi còn lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, chưa chủ động nguồn nước. Trong quá trình sản xuất, một số hộ dân sử dụng giống không đồng loạt, không sử dụng giống theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, phần lớn bà con tự mua giống bên ngoài nên chất lượng chưa cao.

Ngoài ra, UBND xã Hoà Mỹ cũng chưa quy hoạch được vùng khép kín giữ ngọt, nhiều hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư, hình thức sản xuất còn phong trào nên hiệu quả thấp. Nếu khắc phục những hạn chế trên, sản xuất tôm - lúa ở Hoà Mỹ sẽ ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.


Related news