Reports / Mô hình kinh tế

Hỗ Trợ Vốn Và Kỹ Thuật Tái Canh Cây Cà Phê

Publish date: Saturday. August 23rd, 2014

Hiện nay, toàn tỉnh Đác Lắc có tổng diện tích cà-phê hơn 202.500ha, trong đó có 190 nghìn ha cà-phê kinh doanh cho thu hoạch với sản lượng khoảng 430 nghìn tấn cà-phê nhân/niên vụ. Tuy nhiên, theo khảo sát, diện tích cà-phê già cỗi cần tái canh từ nay đến năm 2020 lên tới 30.442 ha.

Theo tính toán, muốn tái canh một ha cà-phê, cần đầu tư khoảng 150 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn, không phải hộ nông dân nào cũng có khả năng xoay xở. Ngay cả trong trường hợp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì cũng chỉ được 80%, còn lại là vốn tự có.

Trong khi đó, phải sau tái canh từ 3 đến 5 năm, vườn cà-phê mới cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian chờ đợi, người dân vẫn phải trang trải các chi phí cuộc sống hằng ngày, trả lãi suất ngân hàng với mức 9%/năm. Nếu hộ dân nào không có nguồn tài chính dự trữ thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Để những hộ nông dân mạnh dạn vay vốn thực hiện tái canh cây cà-phê, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm lãi suất cho vay; các ngành và đơn vị liên quan triển khai giải ngân có hiệu quả nguồn vốn gói tín dụng cho chương trình tái canh cà-phê ở Tây Nguyên (khoảng 12 nghìn tỷ đồng).

Về mặt kỹ thuật, các hộ dân cần được tham gia tập huấn, hội thảo chuyển giao công nghệ để học hỏi những phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch tốt nhất vì hiện nay, hầu hết cà-phê sau thu hoạch không đạt tiêu chuẩn hạng 1 và 2 theo TCVN 4193:2005, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Mặt khác, các cơ quan nghiên cứu nông - lâm - nghiệp cũng cần giúp nông dân lựa chọn giống cà-phê. Thực tế, nhiều trường hợp người dân tự lựa chọn hạt giống và tự ươm trồng nên cây giống không đạt chuẩn, dễ mang mầm bệnh.


Related news