Reports / Mô hình kinh tế

Chủ động trong điều kiện thiếu nước tưới

Publish date: Saturday. November 28th, 2015

Trước tình hình mưa ít, nguy cơ thiếu nước tưới, huyện Hoài Ân đã triển khai các biện pháp sản xuất trong điều kiện thiếu nước ngay từ đầu vụ ĐX.

Huyện Hoài Ân có 22 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích thiết kế 40,64 triệu m3; cùng với 26 đập dâng kiên cố, 128 đập tạm, đập bổi; 53 trạm bơm điện và 15 trạm bơm dầu, đảm bảo nước tưới cho trên 10.000 ha lúa và hoa màu mỗi năm.

Thông thường mọi năm, đến cuối tháng 9 âm lịch, các hồ chứa nước trên địa bàn huyện đều đã chảy qua tràn; song đến thời điểm này lượng nước các hồ chứa chỉ đạt trên 30% so với dung tích thiết kế;

Hồ Vạn Hội có dung tích 14,5 triệu m3 nhưng cũng chỉ mới đạt trên 25%; dòng chảy các sông, suối, mạch nước ngầm cũng giảm đáng kể.

Những năm trước, xã Ân Phong sản xuất 3 vụ lúa/năm, trong đó vụ ĐX khoảng 489 ha, nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào 6 hồ chứa, tuy nhiên, đến nay các hồ mới đạt trên 30% dung tích thiết kế.

Để đảm bảo nguồn nước tưới trong vụ ĐX và dự trữ cho vụ Hè, xã đã chuyển thêm 10 ha đất lúa sang trồng bắp.

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Ân Phong, cho biết: Xã đã chỉ đạo 2 HTXNN và các thôn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp sản xuất chủ động.

Năm nay nhiều diện tích không có nước để làm đất, nhằm tiết kiệm nước ở các hồ chứa, địa phương đã vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật sạch rồi tiến hành cày khô, gần ngày gieo sạ mới vào nước để xuống giống.

Ở xã Ân Đức, hồ Hóc Sấu có dung tích trên 2,3 triệu m3, tưới cho 70 ha lúa, hiện nay lượng nước của hồ chỉ đạt 18,5% dung tích thiết kế, UBND xã Ân Đức đã chỉ đạo HTXNN 2 Ân Đức lắp đặt trạm bơm dầu để tưới cho 30 ha cuối nguồn, lượng nước của hồ để tưới cho 40 ha của HTXNN 1 Ân Đức.

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ ĐX 2015-2016, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước; rà soát phương án phòng chống hạn phù hợp với tình hình thực tế và chủ động đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống hạn cho vụ ĐX.

Lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến dọc theo các sông ngay từ đầu vụ; tranh thủ nước mưa hiện nay để làm đất vụ ĐX; đắp các đập tạm, đập bổi để giữ nước; lập kế hoạch tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm cho từng công trình thủy lợi, từng loại cây trồng.

Để làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng, các địa phương cần rà soát lại diện tích đất để có định hướng bố trí các loại cây trồng cạn phù hợp; đồng thời phải làm tốt công tác hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khi chuyển đổi sang cây trồng mới.

Để bù sản lượng do diện tích không sản xuất lúa được, huyện tăng cường mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn không những đối với cây lúa mà cả các loại cây trồng khác.

Vụ ĐX này, toàn huyện thực hiện 22 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 927 ha ở những chân ruộng chủ động nước.

Trước khi vào vụ, huyện phát động phong trào diệt chuột, bên cạnh biện pháp đào bắt, các HTX đã mua 3 tấn thuốc sinh học Biorat cấp cho nông dân bỏ bả trên diện tích 1.000 ha; chuyển những diện tích không chủ động nước sang sản xuất cây trồng cạn và trồng cỏ nuôi bò.

Chuyển đổi cây trồng từ những loại cây có nhu cầu nước tưới cao sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn..

Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, tổ chỉ đạo sản xuất đã được kiện toàn, phân công các thành viên đứng chân địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất tại các địa phương;

Chỉ đạo các HTXNN và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kiên cố hóa kênh mương theo cơ chế đầu tư đặc thù được phê duyệt trong năm 2015, nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất.


Related news