Reports / Tôm sú

Các yếu tố môi trường cần lưu ý khi thả tôm sú giống (Phần 1)

Author: Nguyễn Nhung
Publish date: Tuesday. May 15th, 2018

Việc đảm bảo tỷ lệ sống của tôm giai đoạn mới thả là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất sau này của tôm nuôi. Vì vậy, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường ở mức tối ưu khi thả giống.

Người dân xuống giống tôm nuôi - Ảnh: Phan Thanh 

1/ pH

Có thể thả tôm giống khi pH 7,5 - 8,5 (tốt nhất là 7,8 - 8), dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5. Khi pH quá cao hoặc quá thấp so với mức thích hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự duy trì cân bằng pH của máu trong cơ thể tôm, rất dễ gây sốc cho tôm giống, tôm giống chết khi pH < 4 và pH > 11, ở mức pH 4 - 7 và 9 - 11 tôm rất chậm lớn, dễ cảm nhiễm bệnh. Hơn nữa pH thấp có thể làm tổn thương phần phụ, mang, ảnh hưởng đến quá trình lột xác và cứng vỏ. Ngoài ra còn làm tăng khả năng gây độc của khí H2S và làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, làm cho mang tôm tiết ra nhiều chất nhầy, giảm sức đề kháng của tôm. Khi pH tăng cao (> 9) sẽ làm cho các tế bào ở mang và các mô của tôm bị phá hủy; đồng thời làm tăng tính độc của khí amoniac (NH3) trong môi trường nước.  

2/ Độ kiềm

Độ kiềm giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hệ đệm của hệ sinh thái ao nuôi. Đây được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng có tác dụng làm giảm sự biến động của pH nước, hạn chế tác hại các chất độc có sẵn trong nước tránh gây sốc bất lợi cho tôm nuôi. Độ kiềm thích hợp trong nuôi tôm là 80 - 120 mg/l, cũng là mức thích hợp khi thả tôm giống. Khi độ kiềm thấp hơn mức này thì pH dễ biến động, tôm bị mềm vỏ; nhưng khi độ kiềm cao quá thì tôm khó lột xác.      

3/ Độ mặn

Độ mặn thích hợp nhất cho tôm sú là 8 - 20‰. Độ mặn giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu giữa nguyên sinh chất của tôm sú và nước. Độ mặn vượt ra ngoài giới hạn thích ứng của  tôm  nuôi sẽ gây ra các phản ứng sốc cho cơ thể, làm giảm khả năng kháng bệnh của chúng. Độ mặn còn ảnh hưởng đến độ kiềm và độ pH, khả năng sinh trưởng của tôm. Đối với những vùng có độ mặn cao hơn 25‰ không phù hợp cho phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ra dịch bệnh, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm giống. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả tôm giống hoặc thả vào thời điểm đón mùa mưa.

Trong ao nuôi tôm, độ mặn có thể tăng nhanh do hiện tượng bốc hơi nước (thường vào mùa khô) hoặc có thể giảm cục bộ do mưa (thường vào mùa mưa). Vì vậy trước khi thả tôm giống cần đo độ mặn để lên kế hoạch thuần tôm cho phù hợp.


Related news