Reports / Mô hình kinh tế

Bến Tre Tiến Tới Xây Dựng Thương Hiệu Cây Trái Đặc Sản Cái Mơn

Publish date: Wednesday. October 1st, 2014

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, Chợ Lách (Bến Tre) phát huy tốt thế mạnh kinh tế vườn với nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản. Làng nghề hoa kiểng - cây giống Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) có truyền thống trăm năm, đã đưa sản phẩm của vùng đi khắp cả nước.

Người nông dân nơi đây còn được ví như những “kỹ sư chân đất” với tay nghề vững và áp dụng thành thạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là lợi thế lớn để Chợ Lách thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng gắn sản xuất với năng suất, chất lượng, tăng giá trị và phát triển bền vững.

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Chợ Lách, diện tích hoa kiểng, cây giống sẽ được giữ vững, ổn định khoảng hơn 850 ha (trên 30 triệu sản phẩm/năm). Diện tích cây ăn trái gần 9 ngàn héc-ta, sản lượng hàng năm đạt gần 100 ngàn tấn các loại, chủ lực là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, nhãn.

Theo đó, huyện cũng đã xác định được vùng sản xuất gắn với đặc thù thổ nhưỡng, sản phẩm có chất lượng, thương hiệu sẵn có từ lâu của từng địa phương như chôm chôm Phú Phụng, sầu riêng Sơn Định - Hòa Nghĩa, măng cụt Vĩnh Hòa, nhãn Vĩnh Bình, kiểng hoa Long Thới, kiểng thú Hưng Khánh Trung B, mai vàng Vĩnh Thành…

Để đạt được mục tiêu này, huyện có kế hoạch cụ thể như chuyển đổi từ 250 - 350 ha vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, cây giống và hoa kiểng tại các xã Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Hòa.

Chuyển 200 - 300 ha nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng sang trồng các loại nhãn có giá trị và không bị bệnh như nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng.

Các xã như Hòa Nghĩa, Long Thới thì nhãn chuyển sang nhãn (chất lượng cao); Vĩnh Bình, Phú Phụng nhãn chuyển sang chôm chôm; xây dựng và củng cố các mô hình vườn cây đạt chuẩn GAP sẵn có, xây dựng 300 ha chôm chôm vận hành theo chuẩn GAP tại các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B. Mỗi xã chọn 1ha làm điểm để đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 sẽ nhân rộng ra toàn huyện (từ 300 ha lên 600 ha vào năm 2020), hình thành vùng sản xuất tập trung về loại trái cây đặc sản này.

Ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Ngành có kế hoạch xây dựng các vườn cây đạt năng suất cao như vườn chôm chôm 40 tấn/ha, sầu riêng 30 tấn/ha, bưởi da xanh 25 tấn/ha, măng cụt 15 tấn/ha.

Bước đầu, Phòng sẽ khảo sát, chọn lọc ở mỗi địa phương có lợi thế để xây dựng làm điểm 1 ha, rồi sau đó nhân rộng cho từng ấp, từng xã.

Với những điều kiện thuận lợi như trên 70% hệ thống đê bao cục bộ được bà con nhà vườn đầu tư khá vững chắc, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cây giống, hoa kiểng Cái Mơn sẽ hoàn thành, chợ đầu mối trái cây Sơn Định trong giai đoạn khởi công, cầu Chợ Lách và các tuyến đường, cầu trên quốc lộ 57 thông suốt thì Chợ Lách sẽ có rất nhiều cơ hội để đưa trái cây, hoa kiểng và cây giống của địa phương vươn ra xa hơn.

Hiện nay, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các làng nghề, huyện sẽ tích cực hơn nữa phối hợp với các ngành liên quan để sớm xây dựng cho được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý về cây trái, hoa kiểng đặc sản Cái Mơn, để sản phẩm của bà con nhà vườn Chợ Lách tăng thêm sức cạnh tranh với thị trường cây, trái trong và ngoài nước.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Chợ Lách sẽ giảm dần diện tích đất nông nghiệp, nhưng diện tích cho sản phẩm sẽ tăng từ 792 ha (năm 2015) lên 839 ha vào năm 2020. Với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cấy ghép và lai tạo về cây con giống, năng suất vườn cây ăn trái ước sẽ tăng 1 tấn/ha.

Bình quân sản lượng và năng suất tăng từ 106 ngàn tấn/năm (2015) lên 115 ngàn tấn/năm (2020); nâng cao thu nhập của bà con nhà vườn từ 29 triệu đồng/người (2015) lên 46 triệu đồng/người (2020).


Related news