Reports / Tin thủy sản

Bảo vệ nguồn lợi trời cho

Author: CHI CỤC THỦY SẢN
Publish date: Monday. June 20th, 2016

Thiên nhiên ưu đãi

Cá linh là loài đặc hữu của sông Mê Kông, thuộc giống Cirrhinus, phân bố phạm vi lưu vực khá rộng trên sông chính, sông nhánh thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế khai thác cá linh gần như là đặc quyền của vùng ĐBSCL.

Khu vực này có 2 loài chiếm ưu thế thuộc giống Cirrhinus là cá linh thùy (Cirrhinus lobatus) và cá linh ống (Cirrhinus siamensis). Đây là 2 loài di cư theo mùa, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của các hệ sinh thái thủy vực. Chuỗi thức ăn chủ yếu của chúng là mùn bả hữu cơ, tảo, phiêu sinh thực vật. Cá linh có tập tính kiếm ăn ở những vùng ngập, quầng đàn tăng sinh khối mạnh trong mùa lũ.

Hàng năm, bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 12, cá linh từ đồng ruộng, kênh, rạch vùng ĐBSCL đổ ra sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), bắt đầu thực hiện quá trình di cư ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Kông tìm những vực sâu để ẩn náu, trú ngụ.

Đến đầu mùa lũ, cá linh tham gia sinh sản, ấu trùng (cá non) di cư theo dòng nước phía hạ lưu để kiếm ăn và tăng trưởng. Thường khoảng trung tuần tháng 7 hàng năm, ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông bắt đầu xuất hiện cá linh non thuộc địa bàn tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Cá linh được đánh giá là loài cá giá trị và đặc trưng của vùng ĐBSCL trong những tháng mùa lũ. Với cư dân miền Tây, những món ngon từ cá linh đã trở nên quen thuộc, như: Cá linh kho lạt, nấu chua, chiên bột, nướng mọi, mắm cá linh,…

Hiện nay, còn có các sản phẩm cá linh đóng hộp để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người con miền Tây xa xứ. Nếu như ngày xưa, người ta thường dùng câu “bèo như cá linh”, “rẻ như cá linh” bởi cá ăn không hết thì ngày nay, khi giá trị của cá linh được nâng lên, nguồn cá lại sụt giảm.

Một trong những nguyên nhân chính lại do tình trạng đánh bắt cá linh khi còn quá nhỏ, phá vỡ sự phát triển của quầng đàn, ảnh hưởng khả năng tái tạo nguồn cá tự nhiên…

Nâng cao ý thức cộng đồng

Căn cứ Thông tư 02 và 62 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian cấm khai thác cá linh bắt đầu từ ngày 1-6 đến 30-8 hàng năm. Đối với loại hình khai thác đáy cá linh, kích thước mắt lưới quy định là 2a ≥ 18mm.

Về mùa vụ khai thác cá linh non, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 02/2014/CT-UBND, quy định: Đối với việc tổ chức khai thác đáy cá linh non tại các tuyến sông kênh từ cấp I trở lên, vào mùa lũ phải thực hiện theo đúng quy định về mùa vụ khai thác, kích thước được phép khai thác hàng năm cũng như đảm bảo các quy định về giao thông thủy.

Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với mùa vụ khai thác cá linh được đảm bảo, việc đánh bắt cá linh phải đúng kích cỡ quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, Chi cục Thủy sản yêu cầu các tổ chức, cá nhân không khai thác cá linh từ ngày 1-6 đến hết ngày 30-8-2016 dưới bất kỳ loại hình ngư cụ đánh bắt nào.

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp các địa phương đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Châu Đốc tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên sông Tiền, sông Hậu. Nếu phát hiện sai phạm về mùa vụ khai thác cá linh, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Đối với những địa phương có tổ chức cho ngư dân khai thác đáy cá linh mùa lũ, Chi cục Thủy sản đề nghị chính quyền nên phối hợp, tham vấn với cơ quan quản lý chuyên ngành về mùa vụ khai thác cá linh, đảm bảo kích cỡ mắt lưới đúng quy định cũng như an toàn giao thông thủy trên địa bàn quản lý của địa phương.


Related news