Reports / Mô hình kinh tế

An Giang Tập Huấn Kỹ Thuật Phòng Trị Bệnh Cho Lươn Đồng Bằng Thảo Dược Tại Tân Châu

Publish date: Friday. July 11th, 2014

Nghề nuôi lươn trong những năm gần đây phát triển mạnh trên địa bàn thị xã Tân Châu nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Tuy nhiên, tình hình bệnh trên lươn nuôi thương phẩm diễn biến ngày càng phức tạp đã gây không ít khó khăn cho việc định hướng và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Nhằm cung cấp cho bà con nuôi lươn một số thông tin mới về phòng trị bệnh trên lươn, tháng 6/2014, tại ấp Tân Hậu A2 - xã Tân An - TX Tân Châu - tỉnh An Giang, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu đã phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản An Giang tổ chức lớp tập huấn “Một số bệnh thường gặp trên lươn đồng (Monopterus albus) và các biện pháp phòng trị”.

Nội dung của buổi tập huấn là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu các bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị trên lươn đồng (Monopterus albus) ở giai đoạn giống và nuôi thương phẩm” do Ts Lý Thị Thanh Loan – Nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia Quan trắc - Cảnh báo Môi trường và Phòng ngừa Dịch bệnh Thủy sản khu vực Nam bộ làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu.

Đến dự lớp tập huấn có đại diện Sở Khoa học Công nghệ An Giang, Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Phòng Kinh tế TX Tân Châu, đại diện UBND xã Tân An, các Khuyến nông viên, Kỹ thuật viên Thủy sản và gần 60 nông dân tham dự.

Lớp tập huấn đã phổ biến một số kiến thức về biện pháp nhận biết các dấu hiệu bệnh và các biện pháp phòng trị bệnh cho lươn trong giai đoạn đầu thả giống và nuôi thương phẩm. Đặc biệt trong phần trình bày về một số biện pháp phòng trị bệnh trên lươn, TS Lý Thị Thanh Loan đã hướng dẫn cho bà con nuôi lươn sử dụng hai loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng trị bệnh cho lươn.

Một loại thảo dược có thành phần Limonoid để phòng trị bệnh ký sinh trùng và loại thảo dược thứ hai có thành phần gồm Phyllanthin và Hypophyllanthin để phòng trị bệnh khi lươn có các triệu chứng đỏ hậu môn và vòm họng bị xuất huyết.

Các loại thảo dược này đã được thử nghiệm ở các hộ nuôi lươn và cho kết quả khả quan là lươn giảm tỷ lệ hao hụt do bệnh trong quá trình nuôi, đặc biệt là giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình thuần dưỡng.

Qua những nội dung trao đổi tại buổi tập huấn, nông dân được tiếp thu những kiến thức hết sức thiết thực để áp dụng trong mô hình nuôi lươn ở gia đình và hy vọng những kiến thức này sẽ giúp cho các mô hình nuôi lươn tại địa phương phát triển bền vững trong thời gian tới.


Related news