Việt Nam Làm GAP Ngược Quy Trình
Gần đây, dư luận thắc mắc chuyện trong khi chính quyền địa phương và các nhà khoa học ra sức kêu gọi nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP (tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm trong lĩnh vực nuôi trồng cây, rau, củ, quả, gia cầm, gia súc, thủy sản,... (gọi tắt là làm GAP) trong nông nghiệp) thì không ít nông dân đang “làm GAP” lại xin ra khỏi GAP.
Ra khỏi GAP cho đỡ tốn kém
Có thể kể ra một số nông sản mà không ít nông dân đang muốn rời khỏi GAP như Vú sữa (Tiền Giang), Bưởi Năm Roi (Vĩnh Long)…
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) được cấp chứng nhận GlobalGAP đầu tiên ở ĐBSCL năm 2008. Người dân trồng Vú sữa ở đây cho rằng, nghe nói làm GAP sẽ xuất khẩu dễ, giá cao, sẽ lãi nhiều nên đăng ký. Song, đến nay, đa số Vú sữa “có GAP” này phải bán đồng giá với vú sữa khác ngoài chợ.
Bên cạnh đó, Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cũng được chứng nhận GlobalGAP từ năm 2009, và đã được xuất khẩu sang Mỹ, EU… Nhưng từ năm 2010 đến nay, sản lượng xuất khẩu ngày càng giảm nên nhiều hộ xã viên đã xin từ bỏ GAP.
Có 2 lý do mấu chốt khiến nông dân ra khỏi GAP: Một là, ngoài việc xuất khẩu bị giảm sút, khi đem sản phẩm “có GAP” ra thị trường nội địa bán cạnh hàng “không có GAP” thì bị đánh đồng, thậm chí khó bán nếu giá “cứng hơn”. Hai là, ở Việt Nam hiện có rất nhiều đơn vị có quyền chứng nhận GlobalGAP và VietGAP cho nông sản, nhưng giá cả không thống nhất và đều vượt quá khả năng chi trả của nông dân.
Bởi, theo TS Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Tiền Giang) khẳng định trên báo chí rằng, phí chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 20ha vườn cây ăn trái dao động ở mức 3.100-3.200 USD. Riêng phí chứng nhận VietGAP khoảng 40 triệu đồng/20ha. Hơn nữa, nông dân còn mất thêm một năm ròng để thực hiện khoảng 70 tiêu chuẩn của VietGAP và 234 tiêu chuẩn của GlobalGAP trước khi các tổ chức nói trên thẩm định, cấp giấy chứng nhận.
Với mức chi phí cao nên đa số các số diện tích trái cây được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP tại vùng ĐBSCL là do các doanh nghiệp tài trợ hoặc các viện, trường, chính quyền địa phương bỏ tiền ra làm nhằm mục đích lôi kéo nông dân tham gia. Nhưng chứng nhận GAP chỉ có giá trị trong vòng một năm. Năm sau muốn tái chứng nhận thì nông dân phải tự bỏ tiền ra làm. Do chi phí tái chứng nhận cao tương đương lần chứng nhận ban đầu nên rất nhiều nông dân đang “có GAP” không thể tiếp tục theo.
Thạc sĩ Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, VietGAP và GlobalGAP là 2 công cụ để xây dựng thương hiệu. Cái khó nhất hiện nay của Việt Nam là nông dân khó khăn về vốn để duy trì chi phí quản lý nó. Hơn nữa, khi “có GAP”, chi phí sản xuất đã tăng nhưng nếu giá thành sản phẩm vẫn như cũ, tất yếu lợi nhuận sẽ giảm.
“Làm GAP” ngược quy trình
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nông sản Việt Nam muốn bước vào thị trường thế giới, cần phải đi bằng tiêu chuẩn.
Thực trạng hiện nay, nông sản Việt Nam kết nối tới các thị trường chưa tốt. Công tác khuyến nông, hỗ trợ sản xuất tập trung giúp nông dân làm các tiêu chuẩn chất lượng nhưng chủ yếu là các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường chưa kết nối tốt cho các sản phẩm này đến với thị trường hợp lý.
“Đáng lẽ chúng ta phải đi từ thị trường trước, tức là nghiên cứu, tìm hiểu từ nhu cầu người tiêu dùng trước. Phải nắm chắc thị trường có nhu cầu tiêu thụ loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn chất lượng ra sao thì mới đem tiêu chuẩn đó quay lại đặt hàng với người sản xuất. Đó mới là cách làm xuôi chiều. Nhưng Việt Nam cứ lao vào đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn mà đôi khi không cần biết thị trường yêu cầu gì.”- TS Sơn phân tích.
TS Sơn còn cho biết, hiện nay, 5 nhóm tác chiến của 16 tập đoàn xuyên quốc gia đi theo cách tiếp cận như thế. Cách làm này giúp doanh nghiệp cung cấp nông sản và người sản xuất thực hiện hợp tác với nhau và có cam kết về chất lượng sản phẩm trước. Từ đó, doanh nghiệp sẽ quyết định đầu tư phần nào, nhà nước đầu tư phần nào và nhân dân tham gia phần nào. Đó mới là cách làm đem lại hiệu quả tốt, thành công trong tương lai.
Thạc sĩ Đào Đức Huấn cũng cho rằng, xảy ra thực trạng nông dân “ra khỏi GAP” không phải do nông dân mà là vấn đề về thể chế, thị trường.
Ông Huấn phân tích: Hiện nay, thị trường nông sản của Việt Nam chưa rõ ràng, đặc biệt là việc quản lý sản phẩm. Ví dụ, khi sản phẩm có chứng nhận VietGAP bán ra thị trường, người tiêu dùng cũng không có nhận thức rõ ràng về sự khác biệt này. Cho nên, nông dân không tăng được giá trị sản phẩm.
Ông Huấn lấy ví dụ: Sản phẩm Thanh Long của Bình Thuận không phải chỉ dành cho thành phố. Thị trường thành phố chỉ chiếm rất nhỏ còn thị trường chính là xuất khẩu. Nếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Hồng Kông thì nhu cầu về VietGAP và GlobalGAP chưa cao mà đầu tư cho chứng nhận này sẽ là lãng phí.
Phải minh bạch thị trường
Thạc sĩ Đào Đức Huấn cho biết, vấn đề hiện nay không phải ta chỉ làm VietGAP, GlobalGAP hay các chứng nhận nhãn hiệu khác,… mà phải xây dựng một thị trường với thể chế quản lý thị trường một cách minh bạch. Phải xác định được sản phẩm nào sẽ sử dụng dấu hiệu nào, trong đó có VietGAP, GlobalGAP, chỉ dẫn địa lý….
Đồng thời, phải có giải pháp giúp người tiêu dùng biết phân biệt chất lượng thực của sản phẩm để chấp nhận mua mức giá khác nhau theo chất lượng. Và, trong điều kiện nhà nước chưa có hỗ trợ để xây dựng và giữa vững các chứng nhận này, cần tác động vào nhận thức người tiêu dùng trên thị trường.
Bởi vì, hiện nay người dân vẫn có thói quen ở đâu tiện thì mua. Đơn cử, nếu đi 3 km sẽ mua được gà sạch (có tem, dấu chứng nhận chất lượng), nhưng ngay đầu ngõ có thể mua được gà (không có chứng nhận, tem dấu) người ta sẽ quyết định chọn mua tại đầu ngõ cho tiện. Thói quen tiêu dùng này của người Việt Nam chưa thay đổi ngay lập tức được.
Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và thương hiệu chưa tốt. Vì thế hệ thống phân phối của Việt Nam, ngay cả các cửa hàng, siêu thị, công ty kinh doanh cũng chưa coi trọng vấn đề quảng bá. Tức là sự phân cấp thị trường chưa rõ ràng.
Rõ ràng, thực trạng nông dân buông xuôi việc nỗ lực kiểm soát và gia tăng chất lượng nông sản, trở lại cách làm truyền thống, dẫn đến chất lượng nông sản giảm sút, giá trị gia tăng từ đó cũng giảm theo. Thiết nghĩ, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một nền nông sản hàng hóa “trọng chất lượng”, tiếng trống gọi nhau vào cuộc đã vang rồi, mong rằng người trong cuộc không “bỏ quên dùi” trên sân chơi đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm cam go này.
Bởi vì, hiện nay người dân vẫn có thói quen ở đâu tiện thì mua. Đơn cử, nếu đi 3 km sẽ mua được gà sạch (có tem, dấu chứng nhận chất lượng), nhưng ngay đầu ngõ có thể mua được gà (không có chứng nhận, tem dấu) người ta sẽ quyết định chọn mua tại đầu ngõ cho tiện. Thói quen tiêu dùng này của người Việt Nam chưa thay đổi ngay lập tức được.
Related news
Người dân nuôi cá điêu hồng trong bè ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đang phấn khởi vì trong vòng 1 tháng trở lại đây, cá điêu hồng liên tục tăng giá và đang đứng ở mức 41.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi từ 6.000 - 10.000 đồng/kg; trung bình mỗi bè cá có sản lượng từ 5 tấn, nông dân có thể thu lãi 50 triệu đồng.
Gần đây, chim yến đua nhau bay về Bạc Liêu cư ngụ. Nhiều người dân ở đây đã “thức thời” xây nhiều nhà cao tầng, dẫn dụ yến về làm tổ nhằm khai thác nguồn lợi từ loài chim này. Từ đó, kéo theo biết bao sự phiền toái, khổ sở cho những hộ dân ở gần khu vực nuôi yến.
Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.