Mô Hình Sản Xuất-Sơ Chế-Tiêu Thụ Rau An Toàn Theo Hướng VietGAP
Cùng với sự phát triển về đô thị, nâng cao tầm hiểu biết, người dân ngày càng có xu hướng quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản, đặc biệt là rau củ quả. Nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) ngày càng tăng, người tiêu dùng đòi hỏi không chỉ về chất lượng rau mà còn phải đảm bảo sạch và an toàn cho sức khoẻ.
Việc sản xuất RAT theo VietGAP phải quản lí chặt chẽ qui trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách ly với phân thuốc, thu hoạch, đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Để đạt được các tiêu chuẩn qui định cần phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác trong sản xuất và chi phí để đăng kí chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất RAT bao giờ cũng cao hơn giá thành của rau sản xuất theo phương pháp truyền thống. Cho nên, bà con nông dân thường quan ngại trong việc sản xuất RAT theo VietGAP.
Thấy được sự khó khăn của bà con nông dân, Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM đã chỉ định Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp tổ chức chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau. Thông qua trung tâm, bà con nông dân trồng RAT sẽ được hướng dẫn qui trình trồng theo hướng VietGAP và cấp giấy chứng nhận mà không tốn bất kì chi phí nào. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất RAT và liên kết nơi tiêu thụ cho bà con nông dân. Điều này làm cho bà con nông dân TP.HCM an tâm trong việc sản xuất RAT theo hướng VietGAP.
Điều quan trọng hơn hết để RAT tồn tại và phát triển trên thị trường tiêu thụ là phải xây dựng được mạng lưới tiêu thụ, có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Nắm bắt được tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Long, giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh đã xây dựng mô hình sản xuất-sơ chế-tiêu thụ RAT khép kín, công ty đã ký cam kết với người nông dân sẽ bao tiêu 100% sản phẩm RAT ngay từ khi nông dân xuống giống. Trong trường hợp giá thị trường RAT tăng cao, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua với 50% sản phẩm theo giá thị trường, 50% theo giá hợp đồng cam kết. Trường hợp giá thị trường RAT xuống thấp, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, công ty còn xây dựng nhà sơ chế riêng, có bể sục khí Ozon để đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ cho rau, củ, quả luôn tươ ngon. Hơn nữa, công ty còn sử dụng bao bì sản phẩm được dán tem nhãn ghi mã vạch có khả năng truy suất lô hàng. Hiện nay, Công ty TNHH Hương Cảnh cung cấp RAT cho gần 20 siêu thị lớn nhỏ tại TP.HCM. Nhân chuyến tham quan công ty, ông Nguyễn Văn Long đã có nhã ý hợp tác sản xuất 1.000 ha cây ớt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Mặc dù, việc tính toán chi phí ban đầu cho sản xuất RAT cao hơn sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhưng chất lượng và lợi nhuận mang lại sau khi thu hoạch từ mô hình thì lại cao hơn nhiều. Hiện nay đã có doanh nghiệp bao tiêu sản xuất đầu ra, nhưng số lượng còn rất hạn chế. Hi vọng trong tương lai, Đồng Tháp sẽ phát triển những vùng sản xuất RAT theo chứng nhận VietGAP và tìm được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng không chỉ trong Tỉnh mà còn các tỉnh thành khác, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Related news
Actisô là cây thân thảo cao trên 1m, có tên khoa học là Cynara scolymus L., thuộc họ cúc – Asteraceae. Thân cây có lông mềm và có khía dọc.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2007, mô hình sử dụng hệ thống phun mưa đang được áp dụng trên 17 tỉnh thành trong cả nước. Mô hình này giúp bà con giảm được công chăm sóc và tăng năng suất cây trồng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện sản lượng cá tra tồn đọng trong dân còn khoảng 200.000 tấn, chiếm 17% so với 1,2 triệu tấn trong kế hoạch sản xuất năm 2012.