Prices / Mô hình kinh tế

Vì Lòng Nhiệt Huyết

Vì Lòng Nhiệt Huyết
Author: 
Publish date: Friday. February 24th, 2012

Hầu hết KNV đều kiêm nhiệm

Lên xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tìm gặp KNV, ông Phó Chủ tịch xã bảo: "Cán bộ khuyến nông đang ở nhà thu hoạch bầu. Muốn gặp thì xuống nhà riêng, thỉnh thoảng có công việc ông ấy mới lên xã".
Để gặp ông Phạm Đình Thùy, KNV xã Suối Cát, tôi phải vào sát chân núi Bà Đen, cách trụ sở ủy ban xã 5 km. Ông Thuỳ bảo: "Hôm nay anh gặp được là may đấy, chứ mấy hôm rồi tôi phải vào làng dân tộc Raglai hướng dẫn bà con trồng lúa nước. Việc bề bộn, làm hết việc ở xã, tôi phải tranh thủ về cho lợn ăn , bởi cuộc sống của gia đình trông cả vào trang trại này. Làm KNV mỗi tháng chỉ được 830.000 đồng, ngoài ra không còn khoản thu nào khác".
Thu nhập chẳng là bao, nhưng trong hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Khánh Hoà thì công việc của ông rất nhiều, như thu thập thông tin, theo dõi dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng TBKT, giới thiệu hộ đủ điều kiện để xây dựng mô hình trình diễn…
Diện tích xã Suối Cát rất lớn, có 3 thôn là đồng bào dân tộc Raglai nên công tác khuyến nông của ông Thuỳ càng vất vả hơn, vì trình độ thâm canh của bà con còn thấp, đi lại khó khăn. Để xây dựng mô hình trình diễn lúa nước, ông Thuỳ đã phải ngày đêm bám đồng, bám ruộng, cầm tay chỉ việc...
Được đánh giá là người xây dựng câu lạc bộ khuyến nông mạnh, ông Trần Nho, KNV xã Ninh Quang, TX Ninh Hoà (Khánh Hòa) có công rất lớn trong việc đưa TBKT vào SX. Ông Nho tâm đắc nhất là việc đã giúp người dân thay dần tập quán canh tác, từ sạ lúa với mật độ rất dày (200- 240 kg lúa giống/ha) xuống còn 120- 140 kg/ha. Nhờ đó mà chi phí SX giảm, dịch bệnh cũng ít hơn. Để có được kết quả này, ông Nho đã trường kỳ làm mô hình sạ thưa hết vụ này qua vụ khác để bà con nhìn thấy cái lợi mới chuyển đổi.
CLB khuyến nông xã do ông Nho vận động thành lập với 50 thành viên tham gia và duy trì hoạt động được 11 năm nay. CLB hoạt động rất hiệu quả. Hàng tháng ông đều tổ chức sinh hoạt để phổ biến TBKT, giống cây, con mới. Các thành viên cũng trao đổi việc SX để đúc rút kinh nghiệm.
Ông Nho nói: Tôi tham gia KNV đã 14 năm, nay quá tuổi lục tuần, lòng nhiệt huyết còn, nhưng trình độ có hạn; nhiều khi không lĩnh hội hết được TBKT về phổ biến lại cho bà con. Giờ rất muốn nghỉ làm khuyến nông, nhưng xã chưa tìm được người thay, lớp trẻ thì chẳng ai chịu làm. Thử hỏi với khoản thu nhập mỗi tháng chưa được 1 triệu đồng, trong khi mỗi công lao động phổ thông từ 100.000- 150.000 đồng/ngày, làm sao thu hút được lớp trẻ vào làm?
Đến cuối năm 2011, tỉnh Khánh Hoà có 119 KNVCS, 36 CLB khuyến nông. Do thu nhập bèo bọt nên đa số các KNV đều là cán bộ HTXNN hoặc cán bộ xã kiêm nhiệm. Theo ông Hồ Mộng Hùng, Phó Chủ nhiệm HTXNN Diên Phú (huyện Diên Khánh) kiêm KNVCS thì cán bộ nông nghiệp xã kiêm nhiệm KVN có nhiều thuận lợi. Đây là những người có kiến thức chuyên môn, nói được bà con nghe. Tuy nhiên ông Đào Đình Cương, Trung tâm KN- KN tỉnh Khánh Hoà thì cán bộ kiêm nhiệm cũng có mặt trái, bởi bận công việc nên sao nhãng khuyến nông.
Cũng theo ông Cương, đa số các KNV ở Khánh Hoà trình độ thấp, không được đào tạo qua trường lớp; KNVCS có trình độ văn hoá cấp 3 chiếm 46%, còn lại mới học hết phổ thông cơ sở. Đặc biệt ở các xã miền núi trình độ KNV rất hạn chế. Do KNV không được đào tạo qua trường lớp nên tiêu chí ký hợp đồng của Trung tâm KN- KN Khánh Hoà chủ yếu dựa vào năng lực các hộ SX giỏi và người có kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ khuyến nông, mới đây UBND tỉnh Khánh Hoà đã quy định: KNV, CTV khuyến nông phải tốt nghiệp THPT trở lên đối với các xã, thôn đồng bằng, tốt nghiệp THCS đối với xã thôn miền núi.
Cầm tay chỉ việc
Theo chân các cán bộ KNVCS thuộc địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đến thăm các mô hình mới được hỗ trợ chuyển giao TBKT, chúng tôi được chứng kiến hàng loạt những khu vườn ca cao, tiêu, điều… đang phát triển tốt, quy mô SX bài bản. Anh Nguyễn Văn Bộ, KNV kiêm PCT Hội Nông dân xã Hưng Lộc vui vẻ tâm sự: “Làm cán bộ khuyến nông cơ sở, điều quan trọng nhất là phải tâm huyết với nghề. Bởi hiện nay chế độ, phụ cấp dành cho cán bộ KNV ở nhiều địa phương còn thấp. Nếu không yêu nghề thì khó lòng yên tâm công tác. Điều chúng tôi mong muốn nhất là chuyển giao TBKT cho bà con áp dụng vào thực tế thành công".
Theo anh Bộ, thường đội ngũ KNV trong huyện đều là người kiêm nhiệm thêm công việc nên bản thân mỗi KNV đều phải rất nỗ lực, tích cực trong quá trình “tác nghiệp” mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Phạm Văn Lê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: Toàn huyện có 10 xã, với 20.950 ha đất SX; mỗi xã có một KNV phụ trách, tỷ lệ bình quân khoảng 16.000- 17.000 người/KNV. Thực tế ở một số địa bàn xã lớn phải cần 2 KNV mới đảm trách tốt khối lượng công việc. Nhưng nguồn kinh phí trợ cấp còn hạn chế nên phải chọn giải pháp tăng cường điều động KNV hỗ trợ những địa phương vào mùa vụ.
Thực tế ghi nhận từ đội ngũ KNV ở Thống Nhất, họ đã được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, tham quan học tập mô hình trong, ngoài tỉnh; đồng thời cùng cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh, huyện chỉ đạo thực hiện các mô hình khuyến nông lâm ngư triển khai ở địa phương mình phụ trách.
Qua các buổi tập huấn kỹ thuật, nhiều hộ gia đình đã từ bỏ được tập quán cũ, dần dần hình thành được những mô hình vườn cây, trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, việc  “cùng nông dân ra vườn” cũng có bất cập. Cụ thể theo phản ánh của một số nhà vườn địa phương, do sự "không cân bằng" giữa kiến thức của KNV với kinh nghiệm SX truyền thống của bà con nhà vườn, nên nhiều khi đôi bên không đồng nhất quan điểm.
Có đợt tập huấn chuyên đề kỹ thuật trồng thâm canh ca cao, nhiều nhà vườn yêu cầu phải mời được các chuyên gia, hay các nhà khoa học đầu ngành thì mới hào hứng tham dự. Lý giải điều này, anh Lộc Văn Quang, KNV xã Bàu Hàm 2 (Thống Nhất) chia sẻ: “Suy nghĩ của các nhà vườn như vậy cũng rất thực tế, vì cây ca cao hiện vẫn là loại cây trồng mới mang lại hiệu quả cao. Do vậy, mọi thông tin đều rất nhạy cảm, đối với bản thân mỗi KNV không phải lĩnh vực gì cũng giỏi để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nên cũng rất thông cảm với bà con".
Theo anh Quang, tham gia công tác khuyến nông từ năm 2003 đến nay không ít lần anh gặp phải những “yêu sách” khó tính của người dân. Tuy nhiên, anh cũng không ngại học hỏi thêm và sẵn sàng chia sẻ cùng bà con bằng tất cả những kinh nghiệm tích lũy của mình. "Mặc dù chỉ nhận được khoản trợ cấp ít ỏi, chi phí xăng xe đi lại cũng không đủ, nên bản thân tôi đã nhiều lần mạnh dạn đề xuất về Trạm Khuyến nông huyện tăng cường thêm lực lượng về hỗ trợ; nhất là vào mùa thời vụ nhiều việc", anh Quang nói.


Related news

Phát Triển Gà Đông Cảo Phát Triển Gà Đông Cảo

Gà Đông Cảo hay con gọi là gà Đông Tảo có nguồn gốc lâu đời tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là giống gà quý hiếm, từng là vật tiến vua.

Friday. February 24th, 2012
Hiệu Quả Của Giống Bí Đỏ Hạt Đậu Hiệu Quả Của Giống Bí Đỏ Hạt Đậu

Xen giữa màu nâu của đất bãi phù sa, màu xanh của ngô xuân là những ruộng bí đỏ hạt đậu đang cho thu hoạch lứa quả cuối cùng. Những ruộng bí quả hình nậm rượu, vàng ruộm, sai trĩu đã cho thấy hiệu quả của một loại giống cây trồng mới mà người nông dân ở xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) quen gọi với tên “bí siêu quả”.

Friday. February 24th, 2012
Tỷ Phú Trên Núi Tiên Tỷ Phú Trên Núi Tiên

Khát vọng làm giàu, anh Lê Văn Hào (sinh năm 1971) ở xóm Thái Minh, Tiên Kỳ, Tân Kỳ, Nghệ An đã mạnh dạn vay vốn mở trang trại chăn nuôi. Những năm qua đã gặt hái nhiều thành công, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Friday. February 24th, 2012