Prices / Mô hình kinh tế

Phát Triển Vườn Cây Ăn Trái Kiểu Mẫu Kết Hợp Du Lịch Sinh Thái

Phát Triển Vườn Cây Ăn Trái Kiểu Mẫu Kết Hợp Du Lịch Sinh Thái
Author: 
Publish date: Tuesday. June 11th, 2013

Có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu thành phố Cần Thơ, thời gian qua, huyện Phong Điền tập trung vận động nhà vườn cải tạo vườn tạp và khôi phục vườn cây ăn trái theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với du lịch sinh thái. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân về cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, Phong Điền còn tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông thủy bộ để thu hút khách du lịch, mở kênh tiêu thụ mới cho sản phẩm trái cây của địa phương...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, toàn huyện hiện có khoảng 6.015ha trồng cây ăn trái. Trong đó gần 4.560ha đang cho trái, gồm các loại cây chủ lực như: Dâu Hạ Châu, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, nhãn, măng cụt… Tổng sản lượng cây ăn trái thu hoạch từ đầu năm 2013 đến nay khoảng 23.653 tấn, đạt hơn 41% so với kế hoạch.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: “Nhiều nhà vườn còn xử lý cây cho trái nghịch vụ, thời gian thu hoạch rải đều trong năm, giá bán cao gấp 1,5-2 lần so với trái cây chính vụ. Để tiếp sức cho bà con, huyện tăng cường hỗ trợ cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho nhà vườn, hướng đến hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung, chuyên canh”.

Xác định vườn cây ăn trái có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, nhà vườn trên địa bàn huyện đã tiến hành cải tạo diện tích vườn già cỗi, kém hiệu quả để tập trung xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tại xã Mỹ Khánh, với nguồn vốn đầu tư 500 triệu đồng từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xã triển khai Dự án “Du lịch Sinh thái kết hợp với phát triển vườn cây ăn trái” tại Hợp tác xã Mỹ Long.

Có 17 hộ dân được hỗ trợ (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ) để cải tạo vườn cây ăn trái, xây dựng các điểm dừng chân, bố trí hệ thống ghe thuyền… phục vụ khách du lịch. Xã còn làm đầu mối liên kết giữa các hộ dân với Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh (Làng Du lịch Mỹ Khánh) tập huấn cho các hộ dân về cách phục vụ khách, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ông Trần Nhật Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, cho biết: “Mặc dù mới hoạt động một thời gian ngắn, nhưng mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo thu nhập khoảng 1 triệu đồng/hộ/ngày. Đây là một trong những nỗ lực của Hội Nông dân trong việc tiến tới mục tiêu không còn hội viên nghèo”.

Thời gian qua, huyện Phong Điền đã có sự đầu tư thích đáng và đề ra hướng đi phù hợp cho kinh tế vườn, song, ảnh hưởng quá trình đô thị hóa khiến diện tích vườn cây ăn trái nhiều xã bị thu hẹp. Thêm vào đó, một số vườn cây lâu năm, diện tích còn lại khá manh mún; các loại sâu bệnh gây hại, giá cả trái cây bấp bênh… nên nhà vườn ngán ngại đầu tư cải tạo.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: “Để khắc phục hạn chế này, huyện xác định phải tìm đầu ra ổn định cho trái cây thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số loại trái ngon, đặc sản, đưa hàng vào các siêu thị… Ngoài ra, tiếp tục vận động nhân dân tham gia chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô hằng năm để tiến tới khép kín 3.000ha vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện”.

Theo ông Nghiêm, huyện đã xác định và quy hoạch phát triển 5 loại trái cây chủ lực gồm: dâu Hạ Châu, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa và nhãn trồng chuyên canh và phân bố đều trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Theo đó, xã Nhơn Ái chuyên canh cây dâu Hạ Châu; xã Tân Thới và thị trấn Phong Điền trồng sầu riêng; xã Nhơn Nghĩa và Trường Long trồng chủ lực cây nhãn; Giai Xuân chuyên canh cây vú sữa và chôm chôm được trồng tập trung tại xã Nhơn Ái và Trường Long.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhấn mạnh: “Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động nông dân khôi phục, phát triển vườn cây ăn trái theo hướng tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng của huyện, như cam mật Phong Điền, dâu Hạ Châu... Đẩy mạnh sản xuất giống cây ăn trái trên cơ sở khai thác cây đầu dòng và các giống đặc sản; khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất hiện đại trong sản xuất, bảo quản trái cây để kéo dài thời vụ, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch…

Song song đó, địa phương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hữu quan trong việc đẩy mạnh phát triển mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái; hỗ trợ nhà vườn xây dựng, quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu”. Theo định hướng phát triển của thành phố, huyện Phong Điền được tập trung xây dựng thành đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng mang nét đặc trưng của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, thành phố và huyện đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế huyện phát triển; trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành “đô thị xanh” của thành phố.


Related news

Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Ở Tiền Giang Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Ở Tiền Giang

Vài năm gần đây anh Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (huyện Cai Lậy) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Tuesday. June 11th, 2013
Lúa Lai - Tôm Sú: Mô Hình Canh Tác Hiệu Quả Tại ĐBSCL Lúa Lai - Tôm Sú: Mô Hình Canh Tác Hiệu Quả Tại ĐBSCL

Lúa lai B-TE1 của Cty Bayer Việt Nam đã chứng minh được ưu thế của mình và đã được đại đa số nông dân vùng ĐBSCL chấp nhận vì những đặc tính vượt trội như cho năng suất cao hơn lúa thường khoảng 20 – 50%, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kháng được đạo ôn- một bệnh nguy hiểm trong vụ đông xuân… Tuy nhiên giống có thời gian sinh trưởng hơi dài, khoảng 100 – 107 ngày trong điều kiện lúa sạ nên bà con phải bố trí đồng loạt trong cơ cấu 2 vụ lúa/năm.

Tuesday. June 11th, 2013
Nỗi Lo Cúm Gia Cầm Lan Rộng Nỗi Lo Cúm Gia Cầm Lan Rộng

Trang trại nuôi vịt của ông Nguyễn Ngọc Xuân nằm biệt lập giữa đồng, cách xa địa điểm các trang trại nuôi vịt khác khoảng 1km. Qua tiếp xúc, ông cho hay: đàn vịt ông mua giống từ một chủ giống tại chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh- Quảng Trị) về chăn thả, đến nay đã được 50 ngày tuổi. Trung bình trọng lượng mỗi con đạt từ 1,5-1,7kg. Khoảng trước ngày 10/1, đàn vịt bắt đầu đổ bệnh và chết. Tại thời điểm này, do thời tiết lạnh và bà con nông dân vào kỳ gieo lúa nên ông cứ nghĩ là đàn vịt bị chết do ảnh hưởng thuốc trừ cỏ bà con phun khi gieo lúa.

Tuesday. June 11th, 2013