Vận Hội Mới Cho Nhà Nông
Chủ đề đang được nông dân quan tâm hiện nay là việc Chính phủ ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho nông dân chuyên canh lúa. Những người làm chủ ruộng được ví như “hai lúa” ngày xưa nay đã có tư duy và tầm nhìn mới, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và giống lúa chất lượng cao vào sản xuất.
Cách nay vài mùa lúa, những vùng quê yên bình bắt đầu thấp thoáng những chiếc máy gặt, nhiều nông dân thực sự trở thành những “ông chủ” thứ thiệt.
“Tới mùa gặt, chỉ cần chuẩn bị bao đựng lúa và ngồi chờ. Một mẩu đất chỉ mất chừng 60 phút, máy gặt sẽ làm hết các khâu: gom lúa, suốt lúa, vận chuyển lúa. Thậm chí, thương lái theo chân máy gặt ra tận đồng ngã giá, hễ gật đầu thì nông dân tiếp tục ngồi chờ thêm năm mười phút để đếm tiền”, anh Tư Lam, nông dân trẻ ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, phấn khởi.
Khoa học công nghệ ra đồng
Nhìn mẫu ruộng rộng hàng trăm công chín vàng ươm dưới ánh nắng ban trưa, anh Lê Văn Tuyến nhẩm đoán, nếu nắng tốt, hai chiếc máy gặt này sẽ gặt xong trong một ngày. Cánh đồng anh Tuyến đang nói đến là phía cánh đồng “ao nước” ở Tân Lộc.
Biệt danh “ao nước” dành cho cánh đồng này được hình thành từ những năm chiến tranh. Đó là cánh đồng trũng, giữa đồng có một cái bào, mùa hạn nước ngọt đủ để cả xóm dùng cho việc sinh hoạt. Khi hoà bình lập lại, tuy là vùng đất tốt cho việc trồng lúa nhưng mấy mươi năm nông dân xứ này vẫn loay hoay với lúa cấy.
Những năm 1990, một số hộ mạnh dạn đắp bờ ngăn nước làm lúa thuần nông. Thấy hiệu quả, những hộ khác cũng làm theo. Bây giờ cả cánh đồng bao la có bờ mẫu, ruộng lúa có ranh gấp. Mười năm sau áp dụng kỹ thuật trồng lúa thuần nông 2 vụ, nông dân xứ này tiếp tục ứng dụng công nghệ mới của những chiếc máy gặt đập liên hợp. Cả mùa gặt lúa, nông dân không đổ giọt mồ hôi.
Uống cạn ly trà, anh Tuyến nói tiếp: “Hồi trước, mùa này vịt chạy đồng trắng một vùng, trâu kéo lúa, nhân công gặt… không khí làm việc tất bật”.
Ông Từ Biên Hoà (Sáu Hảo), nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lộc, nhớ lại: “Vùng này toàn trâm bầu, ruộng thì cấy lúa mùa. Cả xã tìm một ngôi nhà mái ngói đỏ con mắt. Mấy năm làm lúa thuần nông, để chủ động nước, chính quyền và nhân dân chung sức đào kinh dẫn nước.
Kết hợp sức kéo của trâu, cánh đồng vùng quê cách mạng bắt đầu thay đổi. Nghe tụi nhỏ nói bữa nay gặt mà tụi nó tỉnh bơ, lâu sau thấy từng lượt máy kéo lúa về phát mê”.
Công nghệ tiến bộ, cùng với tư duy đổi mới, giờ những “hai lúa” đã trở thành ông chủ thứ thiệt. Những bài toán giảm chi, tăng thu, giảm sức… được họ tính gọn hơ. Ngay cả chi phí làm sân phơi cũng tính kỹ lại, vì lý do đơn giản: lúa gặt xong không cần phơi cũng bán hết với giá cả phải chăng. Cảnh tượng che lều, phơi lúa trên lộ mất an toàn giao thông mấy năm trước đây giờ không còn diễn ra nữa.
Động lực mới
Còn nhớ cách đây khoảng vài mùa lúa, nông dân vùng Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, mừng như mở cờ trong bụng khi, được huyện hỗ trợ tiền dầu bơm nước. “Chúng tôi an tâm hơn khi được sự quan tâm của Nhà nước”, anh Lê Xuân Bắc, nông dân xã Tân Lộc, bộc bạch.
Nhờ có chi phí hỗ trợ bơm nước cứu lúa mà vụ mùa đó, nông dân 2 xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc thu hoạch lúa đạt năng suất khá.
Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết thêm: “Khoảng năm 2009, huyện có chủ trương hỗ trợ nông dân trong canh tác lúa bằng việc hỗ trợ tiền dầu bơm nước. Những năm kế tiếp sau đó, huyện có chủ trương giao cho xã hỗ trợ nông dân từ kinh phí dự phòng”.
Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa chính thức được áp dụng từ ngày 10/1/2013. Thêm nguồn động lực mới cho nông dân làm lúa trên khắp cả nước nói chung và nông dân Cà Mau nói riêng. Bây giờ, hễ có dịp quần tụ bên chén trà, ly rượu cùng nông dân là chủ đề này được đem ra luận bàn sôi nổi.
Anh Tô Thanh Lam (Tư Lam), ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tâm sự: “Nếu được hỗ trợ theo quy định 500.000 đồng/ha/năm, thì mỗi năm chi phí cho diện tích đất nhà tôi canh tác cũng tiết kiệm được vài triệu đồng.
Vừa qua, có vài hộ trong ấp không mặn mà làm lúa 2 vụ, nhưng khi nghe được mức hỗ trợ họ nói sẽ đăng ký làm trong vụ tới. Việc hỗ trợ này cũng như cú hích, làm đòn bẩy cho nông dân gắn bó với ruộng đồng”.
Ngoài hỗ trợ chi phí sản xuất vùng chuyên canh lúa nước, Chính phủ còn hỗ trợ chi phí sản xuất cho các vùng không chuyên canh và khẩn hoang phục vụ việc trồng lúa, với mục đích khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, giống năng suất cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa.
Ông Lê Bình Nguyên cho hay: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2013, huyện chỉ đạo cho các xã rà soát kỹ diện tích chuyên lúa, lúa - tôm ở các vùng trong huyện. Đây sẽ là nguồn động lực lớn trong sản xuất lúa của nông dân trong huyện”.
Năm 2013, với chủ trương mới của Chính phủ hỗ trợ nông dân kinh phí trên vùng chuyên canh và lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Cà Mau sẽ có khoảng 80.000 ha đất sản xuất được hưởng chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Vậy là cùng với công nghệ tiên tiến, sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, của địa phương, nông dân trồng lúa ở Cà Mau sẽ có thêm vận hội mới, góp phần làm giàu, xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.
Related news
Những ngày qua ở Phú Yên tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán cho thương lái. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi không có sắn giống trồng dặm. Lo ngại nhất hiện nay, nếu các cấp chính quyền không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên cây sắn sẽ xảy ra.
Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…
Sau một thời gian dài bị các loại cây trồng khác “lấn át”, tới cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.888 ha dâu với năng suất lá bình quân 113 tạ/ha, sản lượng 42.348 tấn và hiện đang phát triển nhanh trở lại ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng - trừ Đà Lạt và Lạc Dương. Mục tiêu của UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố trong tỉnh là tới cuối năm 2013 này phải nâng diện tích cây dâu tằm của địa phương lên trên 4.065 ha.