Phát Triển Hồ Tiêu Bền Vững Ở Chư Pưh (Gia Lai)
Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.
Khắc phục tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã đưa ra nhiều biện pháp giúp người trồng tiêu phòng ngừa, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách phát hiện sớm bệnh trên cây tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như chú trọng canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững là ưu tiên hàng đầu của huyện trong những năm qua. Do đó, trong thời gian qua Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai mô hình IPM trên cây hồ tiêu.
Đã tổ chức lớp tập huấn TOT cho 65 cán bộ cấp xã, huyện và lớp FFS dành cho các trưởng thôn, già làng, những người trồng tiêu trên địa bàn với 165 người tham gia. Mục đích là phổ biến cho người dân trồng tiêu trên địa bàn huyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững cũng như cách phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên… để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo người dân không nên ào ạt mở rộng diện tích trồng mới mà bất chấp đất đai có phù hợp với cây tiêu hay không, nhất là những vùng đất trũng để tránh rủi ro.
Người dân cần phải thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện các dấu hiệu của bệnh, đào rãnh thoát nước tránh ngập úng trong mùa mưa. Hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý trụ, đất và phun thuốc phòng trừ tuyến trùng, bệnh thối gốc, thân trước khi tiến hành trồng nhằm hạn chế mầm bệnh tích lũy, lây lan cho vườn tiêu. Đối với các vườn tiêu già cỗi, chết do bệnh chết nhanh, chết chậm, người dân cần chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu các loại… 2 - 3 năm nhằm cải tạo đất trước khi trồng lại cây tiêu.
Mặt khác, nhận thấy mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, vừa hạn chế các loại dịch bệnh gây hại trên cây tiêu, lại giảm bớt chi phí đầu tư cho người dân, hạn chế tình trạng phá rừng nên thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông triển khai nhân rộng mô hình trồng cây tiêu trên cây trụ sống.
Ông Hùng cho biết thêm: Thời gian tới Phòng sẽ tiến hành trồng thử nghiệm giống tiêu ghép giữa thân cây tiêu ở rừng Amazon với cây tiêu địa phương có ưu điểm sinh trưởng tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại. Nếu giống tiêu ghép này phù hợp với chất đất, khí hậu nơi đây và cho năng suất, sản lượng cao thì sẽ tiến hành nhân rộng giống tiêu này trên toàn địa bàn huyện.
Với những định hướng cụ thể cho sự phát triển bền vững cây hồ tiêu trên đất Chư Pưh của các ngành chức năng, hy vọng cây hồ tiêu sẽ tiếp tục góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội huyện Chư Pưh nói riêng cũng như của tỉnh nói chung.
Related news
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).
Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.
Từ 11 đến 14-11, cá điêu hồng nuôi lồng bè ở thị trấn Thanh Bình và xã Tân Thạnh huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đột ngột chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Thủy sản huyện Thanh Bình, đến chiều ngày 14-11, trên địa bàn huyện đã có 20 lồng bè tương đương 40 tấn cá của 9 hộ nuôi ở cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình) và ấp Nam xã Tân Thạnh bị thiệt hại từ 30 đến 40%, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.