Vấn Đề Nông Nghiệp, Nông Thôn, Nông Dân
Sản xuất nông nghiệp có vị trí, vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế nông nghiệp đã được đề cập ở các nghị quyết của T.Ư Đảng trước đây và đặc biệt là Nghị quyết hội nghị TƯ7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong những năm qua, các Nghị quyết đó đã đi vào cuộc sống, khơi dậy mọi tiềm năng của mọi thành phần kinh tế để phát triển nông nghiệp toàn diện, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân hàng năm 2,9%, năm 2001 đạt 34,3 triệu tấn, năm 2009 đạt 43,3 triệu tấn, đến năm 2010 đạt 44,8 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu nông sản ngày một tăng, năm 2008 đạt 14,8 tỷ đô la, năm 2010 đạt 16 tỷ đô la. Xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều đứng đầu thế giới, xuất khẩu gạo, cà phê xếp thứ 2 thế giới, chè thứ 5 thế giới, thủy sản thứ 10 thế giới, cao xu xếp thứ nhất Đông Nam Á... Độ che phủ rừng tăng liên tục với mức 0,5 %, năm 2008 đạt 39% đến năm 2010 đạt 40%. Đó là những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa thật bền vững và hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, trong báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”. Nông nghiệp toàn diện là nền nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tất cả các ngành đó có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau, làm tiền đề và điều kiện thúc đẩy nhau cùng phát triển. Để nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại phải thành lập các “khu nông nghiệp công nghệ cao” đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông, lâm, ngư nghiệp, sáng tạo ra những giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt.
Phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, bố trí lại cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác và HTX dịch vụ nông nghiệp, tất cả góp phần làm tăng tính hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu”. Muốn vậy, nhất thiết phải hình thành các vùng chuyên môn hóa (vùng lúa, vùng rau mầu, vùng cây công nghiệp, vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản). Đẩy mạnh việc tích tụ và tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, mở rộng việc áp dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm hải sản, gắn sản xuất với chế biến và thị trường để làm tăng giá trị của hàng nông sản xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, phải đặc biệt chú ý đến sản xuất lương thực: “Giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng giá trị xuất khẩu gạo”. Đó là điều cần thiết đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Phát triển nông nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới, như văn kiện Đại hội đã ghi: “Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể”... “Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn”. Hiện nay, cả nước có 9.121 xã, qua khảo sát mới có 85 xã đạt đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đạt 12%. Năm 2009, tổ chức thí điểm xây dựng nông thôn mới ở 11 xã thuộc các tỉnh: Điện Biên, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Phước, Kiên Giang, Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Rút kinh nghiệm từ 11 xã điểm, các địa phương về tổ chức làm điểm ở một số xã và đang từng bước triển khai ra diện rộng, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 2/3 số xã đạt đủ 19 tiêu chí, số còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời với việc không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, thông qua việc thực hiện các chương trình do Nhà nước đề ra như: Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình đào tạo nghề hàng năm cho 1 triệu lao động nông thôn, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão lũ... Hiện cả nước có trên 3 triệu hộ nghèo, gần 2 triệu hộ cận nghèo, còn 81 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, thực hiện tốt các chương trình trên là góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống nông dân, từng bước giảm hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 “thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 1,8 đến 2 lần so với năm 2010”.
Sản xuất nông nghiệp diễn ra ở địa bàn nông thôn, do người nông dân đảm nhiệm, vì vậy nông nghiệp, nông thôn, nông dân vốn có mối quan hệ mật thiết gắn bó, tác động qua lại, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, nông dân phát triển... Đó là tiền đề vật chất tạo nên sự ổn định vững bền của đất nước, phù hợp với ý Đảng lòng dân
Related news
Những năm qua, mô hình sản xuất lúa - tôm đạt hiệu quả cao và được ngành chức năng khuyến cáo nông dân nhân rộng. Mô hình này ngày càng được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng.
Việc cung ứng lúa chất lượng, nguyên chủng, cấp xác nhận, chất lượng cao để nông dân sản xuất luôn được ngành chức năng quan tâm.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, rất nhiều cây trồng, vật nuôi trong tỉnh đã được phát huy hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, với các loại rau màu thì vẫn còn bấp bênh. Cuộc sống người trồng màu vẫn lắm khó khăn. Nguyên nhân, hoa màu tại rẫy bán ra rớt giá liên tục, lại thiếu vắng rau an toàn (RAT) để nâng giá trị của nó và có thị trường ổn định.