Ứng Dụng Thành Công Công Nghệ Sản Xuất Giống Lươn Đồng
Nghề nuôi lươn đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng các hộ nuôi ở An Giang cũng như miền Tây vẫn phải sử dụng con giống khai thác ngoài tự nhiên để nuôi. Từ tận dụng đất quanh nhà ở nông thôn mà nhiều hộ vốn dĩ rất nghèo cũng đã vươn lên làm giàu và những người có mức sống trung bình lại có thêm thu nhập. Điệp khúc “thả lươn vào nuôi là chết” đeo đẳng những hộ nuôi lươn khiến cho nhiều người bỏ cuộc...
Các nhà khoa học và các cấp chính quyền tại địa phương phải vào cuộc, dự án “Tập huấn và sản xuất thử nghiệm mô hình sản xuất giống lươn đồng (Monopterus albus) bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo tại An Giang” được triển khai từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh. Dự án kết thúc và nghề sản xuất lươn giống bắt đầu hình thành.
Nghề sản xuất giống lươn cũng lắm công phu…
Không phải ai trải qua lớp dạy nghề hoặc tập huấn đều có thể làm được. Công nghệ này đã được các Viện trường nghiên cứu từ rất nhiều năm nhưng ứng dụng vào sản xuất thực tế không có được kết quả như ý muốn. Lượng trứng lươn cái mang tương đối ít: 1 kg lươn cái chỉ đẻ được 3.000 – 4.000 trứng/vụ. Một lượt thu chỉ vài chục đến vài trăm trứng trong một tổ, thật không dễ chút nào nếu không bền chí. Những hộ nuôi muốn làm nghề cần phải có tính kiên trì, niềm đam mê và yêu nghề thật nồng nhiệt. Chăm chỉ, siêng năng cần cù và sáng tạo cũng là những đức tính không thể thiếu được trong quá trình sản xuất.
Thượng đế không phụ lòng người…
Do áp lực con giống từ diện tích nuôi lươn thương phẩm của tỉnh, người dân An Giang hạ quyết tâm phải sản xuất được lươn giống. Niềm mong ước bấy lâu nay của hộ nuôi cũng như giới chuyên môn cùng chính quyền các cấp tại địa phương cũng như trong tỉnh đã thành sự thật. Dự án triển khai trên 4 huyện thu được 69.000 lươn giống. Dự án tiếp nối dự án, Trung tâm Giống thủy sản lại tiếp sức cho những hộ “đam mê nghề” từ nguồn kinh phí dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới”. Đúng thật, Thượng đế đã không phụ lòng người ….
Nâng cao năng suất….
“Vết dầu loang” mô hình sản xuất giống lươn đồng lan dần, diện tích bể sinh sản cứ tăng dần theo từng năm: năm 2011 là 240 m2, năm 2012 là 1.000 m2 và đến 2013 ước khoảng 2.000 - 2.500 m2 trong đó có 4 hộ có diện tích bể sinh sản từ 300 - 600 m2/hộ và những hộ còn lại sẽ mở rộng khi đủ điều kiện. Năng suất của dự án trước là 250 - 300 lươn giống/m2 bể sinh sản nhưng hiện nay các hộ lành nghề đã sản xuất ổn định với năng suất 450 – 500 lươn giống/m2 và sản lượng trong năm 2013 ước đạt 1 triệu con giống.
Tiếng lành đồn xa và niềm vui càng được nhân lên…
Việc ứng dụng công nghệ thành công gây tiếng vang thu hút cả nông dân lẫn cán bộ. Họ là ai, là người đang nuôi và yêu thích nghề cùng các cán bộ trong ngành Nông nghiệp đặc biệt là cán bộ ngành Thủy sản. Sau chuyến tham quan thực tế, mọi người đã phải trầm tồ khen ngợi tính cần cù sáng tạo của nông dân An Giang. Và “vết dầu loang ” công nghệ sản xuất lươn đồng đã tiếp tục lan dần đến trên mọi miền đất nước tại những nơi mà cái nghề nuôi lươn thương phẩm có thể phát triển. Nhiều cá nhân và một số đơn vị trong ngành thủy sản các tỉnh đã yêu cầu tiếp nhận công nghệ từ Trung tâm Giống thủy sản An Giang. Quả thật là niềm vui được nhân lên bội lần....
Related news
Sau 4 năm thực hiện dự án “Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè Ô Long” của Bộ Khoa học công nghệ, đến nay thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) đã trồng được 50 ha chè, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) tại tỉnh Phú Thọ” bước đầu đạt được kết quả rất khả quan, góp phần lưu trữ nguồn gen, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mở ra hướng mới để xóa nghèo cho người dân địa phương.
Diện tích ương nuôi cá tra giống tăng nhanh trong khi giá bán sụt giảm, gây khó khăn cho các hộ nuôi.