Prices / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Bống Tượng Theo Hình Thức Dây Chuyền Khép Kín

Nuôi Cá Bống Tượng Theo Hình Thức Dây Chuyền Khép Kín
Author: 
Publish date: Monday. June 10th, 2013

Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế địa phương ngày càng phát triển hơn. Điển hình trong số những nông dân làm kinh tế giỏi của thị trấn Châu Hưng là ông Giang Đông Nuol ngụ tại ấp Nhà Thờ với mô hình nuôi cá bống tượng theo hình thức dây chuyền khép kín.

Ông Nuol cho biết, với diện tích nuôi cá bống tượng của gia đình là 2000 m2 chia làm 4 ao, ông đã nuôi cá bống tượng được 4 năm nay và năm nào ông cũng thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng. Năm 2009, ông thu hoạch được gần 510 kg cá bống tượng thương phẩm (với giá bán trung bình 250 – 400 ngàn đồng/kg) cho thu nhập 168 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 70 triệu đồng.

Ông Nuol cho biết, cách đây 4 năm, khi tìm hiểu về nhu cầu các mặt hàng thủy sản trên thị trường, ông nhận thấy các mặt hàng thủy sản nước ngọt (trong đó có cá bống tượng, cá chình….) luôn có đầu ra tương đối ổn định và giá bán ở mức cao, đảm bảo có lãi cho nông dân khi thực hiện các mô hình này. Sau thời gian suy nghĩ, đắn đo, hoạch định kế hoạch sản xuất tỉ mỉ, ông quyết định ủi 2 công đất ruộng (tương ứng 2300 m2¬¬) thành 4 ao (3 ao có tổng diện tích 1000 m2, 1 ao diện tích 1000 m2) để nuôi cá bống tượng.

Theo ông Nuol, cá bống tượng tương đối dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, nguồn cá giống tương đối phong phú được mua ở địa phương. Dẫn chúng tôi đi tham quan 4 ao nuôi cá bống tượng ông cho biết: sở dĩ ông nuôi cá thành công trong 4 năm nay là nhờ luôn học hỏi kỹ thuật nuôi cá thông qua sách báo, tài liệu kỹ thuật chuyên ngành, kinh nghiệm từ những nông dân khác, từ đó áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất thực tế của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bống tượng, ông Nuol thẳng thắn: để nuôi đối tượng này thành công, khâu chọn giống và cho ăn đúng kỹ thuật là rất quan trọng. Về cá giống, ông chọn cá bống tượng có nguồn gốc tự nhiên với tiêu chí là cá bơi lội linh hoạt, đồng đều, không bị xây sát…nên chất lượng luôn được đảm bảo. Về thức ăn cho cá: ông sử dụng tép bò làm thức ăn cho cá bống tượng vì theo ông đây là thức ăn giàu chất dinh dưỡng, phù hợp với tính ăn của cá và ông thường cho ăn từ 6 – 8% tổng trọng lượng cá trong ao, tuỳ điều kiện thời tiết có thể tăng hay giảm cho phù hợp.

Chúng tôi được biết, một yếu khác quyết định thành công cho mô hình nuôi cá bống tượng là ông áp dụng rất nhuần nhuyễn mô hình nuôi theo hình thức dây chuyền khép kín: cá bống tượng giống mới mua về (trọng lượng 35 – 40 con/kg, giá từ 50-60 ngàn đồng/kg) ông thả vào ao thứ nhất, định kỳ 3 – 4 tháng ông tiến kiểm tra trọng lượng cá và chuyển sang ao kế tiếp, cứ thế sang ao thứ 4 thì cá bống tượng đạt trọng lượng từ 0,5 kg trở lên có thể xuất bán. Nuôi cá bống tượng đến lúc thu hoạch thường mất thời gian 12 tháng nhưng nhờ áp dụng phương pháp này nên ông luôn có cá bống tượng thương phẩm bán từ 3 – 4 đợt/năm.

Trong quá trình nuôi, ông áp dụng tốt quy trình kỹ thuật của ngành chuyên môn khuyến cáo: định kỳ trộn men tiêu hóa, thuốc dinh dưỡng, kháng sinh được phép sử dụng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; định kỳ 15 ngày/lần thay nước tầng mặt 20 – 30% sau đó sử dụng vôi CaO (3- 5 kg/1000 m3) để ổn định môi trường ao nuôi, phòng bệnh cho cá; áp dụng mật độ nuôi 0,5 – 1 con/m2… nên tỉ lệ sống của cá bống tượng khi thu hoạch khá cao từ 50-60%.

Khi nói về thành công năm 2009, ông bộc bạch: khoảng tháng 5 – 6 năm 2009 giá cá bống tượng thương phẩm xuống rất thấp (khoảng 160 – 180 ngàn đồng/kg) đã khiến ông và nhiều bà con nuôi cá bống tượng khác vô cùng lo lắng. Nhưng đã lỡ “phóng lao thì phải theo lao” ông quyết định tiếp tục đầu tư để nuôi tiếp. Đến tháng 8 – 9 thì giá cá bống tượng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nên ông xuất bán mẻ cá bống tượng đầu tiên được 188 kg (với giá 250 ngàn đồng/kg) thu nhập 47 triệu.

Đợt 2, 3 ông xuất bán được thêm 321 kg cá bống tượng với giá bán 350 – 400 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của ông năm 2009 tổng thu nhập là 168 triệu đồng, trừ chi phí ông lãi trên 70 triệu đồng. Hiện nay, trong ao thứ 4 cá bống tượng có trọng lượng từ 0,4 – 0,5 kg/con ước sản lượng khoảng 300 kg, dự kiến tháng 5/2010 sẽ thu hoạch.

Với những thành công trong những năm qua, ông Nuol đã tích góp được nhiều kinh nghiệm thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này trong năm nay và những năm tiếp theo. Hiện nay, đã có một số nông dân tìm đến ông để được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bống tượng và được ông Nuol tận tình hướng dẫn. Ông tâm sự, được chia sẻ kinh nghiệm với những người nông dân chí thú làm ăn có ý chí vươn lên đã trở thành niềm vui của ông trong suốt những năm qua.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn

Từ năm 2009, nông dân 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên 6 ha đất giồng cát. Cây măng tây rất phù hợp với vùng đất trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước (như vùng đất giồng vành đai xanh thành phố). Sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm

Monday. June 10th, 2013
Heo, Gà Đều Giảm Giá Heo, Gà Đều Giảm Giá

Gần một tuần nay, giá heo hơi, gà thịt tại Đồng Nai liên tục giảm giá. Hiện giá heo hơi bán tại các trang trại chỉ còn 40 ngàn đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được giá 37 - 38 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi có heo bán ra phải chịu thua lỗ từ 500 - 700 ngàn đồng/tạ. Theo các chủ trang trại, giá heo hơi giảm sâu, đầu ra rất khó khăn vì người tiêu dùng vẫn còn ngại chất cấm tạo nạc chưa dám sử dụng nhiều thịt heo như trước. Ngoài giá heo hơi giảm, giá gà thịt bán tại các trại cũng giảm 3 - 4 ngàn đồng/kg. Giá gà thịt như hiện nay, chỉ những hộ chăn nuôi tốt tỷ lệ hao hụt đàn thấp mới có lời.

Monday. June 10th, 2013
Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng Nấm - Ngành Học Cần Xây Dựng

Phương Trang, một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Nông Lâm TP HCM muốn học tiếp chuyên ngành về nấm, nhưng sau 3 tháng “tầm sư”, Trang lắc đầu: "VN không có trường nào đào tạo ngành nấm!".

Monday. June 10th, 2013