Từng Bước Tự Sản Xuất Cá Giống Nước Lạnh
Theo Sở NN-PTNT và Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng thì để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp địa phương cần chủ động sản xuất được nguồn cá giống chất lượng cao mà trước năm 2012 phải nhập khẩu 100%.
Nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) đang là thế mạnh của ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong triển khai Chương trình Nông nghiệp công nghệ cao. Với những kết quả đã thu được từ những mô hình nuôi thử nghiệm và sau đó là nuôi thương phẩm, vừa qua, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh đã xây dựng Đề án “Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng tới năm 2020”.
Mục tiêu của đề án này là tới năm 2020 toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm (năm 2009 sản lượng cá nước lạnh thương phẩm của toàn tỉnh là 240 tấn, năm 2011 khoảng 350 tấn, năm 2012 trên 360 tấn và kế hoạch sản xuất năm 2013 này là 500 tấn gồm 400 tấn cá tầm và 100 tấn cá hồi”.
Khảo sát các cơ sở nuôi thả cá nước ngọt trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT cho rằng nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thả cá nước lạnh nói riêng của tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng và “các tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh tại địa phương đang đầu tư sản xuất con giống và cá nước lạnh thương phẩm theo hướng khép kín…”.
Thạc sỹ Nguyễn Viết Thùy - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT), một trong những người đầu tiên đưa con cá nước lạnh về Lâm Đồng và tới nay vẫn rất tâm huyết với giống thủy sản này, cho hay: Sau 3 năm triển khai, tới cuối năm 2012, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (đóng tại Đà Lạt) đã tạo được 200 con cá bố mẹ, sản xuất được 2 vạn con cá bột và 1,4 vạn con cá giống và “Xây dựng được quy trình kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân tại Lâm Đồng”;
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cũng đã tạo được đàn cá bố mẹ và xác định được đặc điểm sinh học sinh sản của cá tầm Nga và cá tầm Siberi, bước đầu thành công trong việc sinh sản nhân tạo cá tầm tại địa phương. Kế thừa kết quả này một số cơ sở nuôi cá nước lạnh tại địa phương như Công ty Tầm Việt đã chủ động nhập trứng, ấp nở và ương được cá giống.
Để giúp ngành nông nghiệp Lâm Đồng chủ động sản xuất cá giống cá nước lạnh, Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên đóng tại huyện Lạc Dương đã được Bộ NN-PTNT thành lập và giao nhiệm vụ là nơi nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm theo hướng an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi; Lâm Đồng cũng là địa phương được Bộ NN-PTNT chọn và giao cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III triển khai Chương trình “Phát triển giống cá nước lạnh tại Việt Nam”.
Theo đó, cùng với giúp đỡ của trung tâm này, tới năm 2015, các cơ sở nuôi thả cá nước lạnh tại khu vực huyện Lạc Dương sẽ phải tự sản xuất được 25 - 30% lượng trứng cá hồi với 720 cá cái thành thục, ương thành công 1,25 triệu con cá hồi giống; tới năm 2020 có 1.400 cá cái thành thục, tự sản xuất được từ 40 - 45% trứng cá hồi giống. Với giống cá tầm: Vùng sản xuất cá tầm giống được xác định là Lạc Dương, Đam Rông, Đà Lat và tới năm 2015 lượng con giống cá tầm cần thiết là 1 triệu con và tới năm 2020 là 2,3 triệu con.
Như vậy, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Bộ NN-PTNT và các cơ quan KHKT chuyên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ cũng như việc triển khai khép kín quy trình sản xuất của các cơ sở đang nuôi thả cá hồi, cá tầm trên địa bàn, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang từng bước tự sản xuất được giống cá nước lạnh. Với việc tự sản xuất được con giống chất lượng cao - sạch bệnh, nghề nuôi thả cá nước lạnh của tỉnh sẽ có bước phát triển mới, hạ được giá thành sản xuất và hạn chế được những rủi ro do phải lệ thuộc vào nguồn cá giống nhập khẩu như những năm qua.
Related news
Giá tôm đang tăng do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường tăng. Việt Nam khắc phục được dịch bệnh gây hiện tượng tôm chết hàng loạt là những yếu tố khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm kỳ vọng nhiều hơn vào kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm.
Cùng với phát triển trồng rừng, nhiều năm qua cây sơn cũng đã được người dân ở một số thôn bản xã Tân An (Chiêm Hóa) đưa vào trồng. Qua thực tế trồng và chăm sóc nhiều năm cho thấy, việc trồng sơn lấy mủ đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương.
Vụ cam năm 2011, huyện Hàm Yên có trên 2.326 ha, năng suất bình quân 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 28 nghìn tấn quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 150 tỷ đồng. Cuối vụ, cam bán được giá, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập tiền tỷ.