Trồng Ớt Trên Ruộng Lúa Thu Nhập Cao Ở Bến Tre
Gần đây, một số nông dân trồng lúa ở xã Lương Quới (Giồng Trôm - Bến Tre) đã chuyển qua trồng cây màu ở vùng ruộng lõm để có lợi nhuận cao hơn. Anh Trần Ngọc Thành (ấp 3, xã Lương Quới), đã chuyển bốn công đất lúa sang trồng cây ớt chỉ thiên, ước năng suất thu hoạch trong ba vụ khoảng trên 10 tấn trái.
Dù bốn công đất lúa của anh Trần Ngọc Thành năng suất thu họach vụ nào cũng từ 5,5 tấn - 6,5 tấn/ha, nhưng vụ Hè - Thu năm nay, anh lại chuyển qua trồng cây ớt chỉ thiên. Theo anh Thành, cây ớt chỉ thiên dễ trồng, không kén đất và đầu tư một lần nhưng thu hoạch được nhiều vụ; đặc biệt trái ớt được thị trường tiêu thụ mạnh, để tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Hiện tại, bốn công ớt của anh Thành đang thời điểm cho trái rộ, mỗi ngày thu hoạch bình quân khoảng từ 500 kg - 600 kg trái, đến bán lại chợ đầu mối nông sản Tiền Giang có giá từ 23.000 đồng - 30.000 đồng/kg.
Để cây ớt mau phát triển và năng suất cao, không bị các sâu bệnh tấn công, mỗi ngày anh Thành đều ra ruộng theo dõi sự phát triển của cây để có biện pháp bón phân hợp lý, giúp cây mau lớn, khỏe mạnh. Hạt ớt sau khi cấy nẩy mầm thành cây ớt non (từ 17 - 20 ngày) thì đem trồng trên các liếp đất, với cây cách cây, hàng cách hàng đều nhau để cây có điều kiện quang hợp phát triển, ít sâu bệnh. Anh sử dụng các loại phân DAP, NPK 16-16-8, NPK 20-15 và ka li để bón và giữ độ ẩm gốc nên ớt phát triển xanh tốt, cho năng suất rất cao.
Cây ớt chỉ thiên trồng khoảng 2 tháng 10 ngày thì thu hoạch. Một chu kỳ trồng trong năm thu hoạch ba lần, mỗi lần thu hoạch suốt 20 ngày. Bốn công ớt của anh Thành từ trồng đến thu hoạch, vốn đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Nếu bốn công ớt chỉ thiên của anh thu hoạch liên tiếp trong ba vụ, trừ chi phí kể cả mướn công lao động hái trái, lợi nhuận tương đương canh tác 4 ha đất lúa trong ba vụ.
Mô hình ruộng ớt của anh Trần Ngọc Thành cho thấy nghề trồng ớt không những đem lại thu nhập cao, cải thiện kinh tế gia đình, mà còn giúp vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình.
Related news
Những ngày này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại. Sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, chất lượng không thua hàng ngoại và giá bán cũng tương đối mềm.
Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 vừa được Bộ NNPTNT phê duyệt.
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.