Thu Nhập Cao Nhờ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Và Chăn Nuôi Giỏi
Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.
Trước kia, gia đình chị Chiên cũng thuộc diện khó khăn như nhiều hộ khác trong thôn. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 4 sào lúa nước. Mặc dù là đất 2 vụ lúa nhưng gia đình dù có đầu tư thâm canh nhưng cũng chỉ đủ lượng gạo ăn trong năm chứ không giúp gia đình khá lên được. Từ năm 2005, do nguồn rau xanh trên thị trường thị trấn Yên Minh rất khan hiếm, rau xanh chủ yếu được lấy từ thị xã Hà Giang và huyện Quản Bạ nên giá cả rất đắt đỏ lại không được tươi ngon.
Trong khi đó ruộng đất trên địa bàn thị trấn lại nhiều, thời tiết lại khá phù hợp với sinh trưởng và phát triển của đa số các loại rau xanh. Từ suy nghĩ đó chị Chiên đã bàn với gia đình chuyển đổi hoàn toàn diện tích đất trồng lúa sang trồng rau quanh năm. Trồng rau tuy vất vả hơn so với trồng lúa vì cần nhiều công sức từ làm đất, chăm sóc, bón phân tới thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù việc nhiều nhưng anh chị gánh vác hết việc đồng áng vì các con chị đứa lớn đi công tác, đứa nhỏ còn đang đi học phổ thông.
Không phụ công chăm sóc, ruộng rau nhà chị Chiên luôn xanh tốt quanh năm, mùa đông thì xu hào, bắp cải…mùa hè thì rau đay, đậu đỗ, rau bí, dưa chuột…Do rau được trồng trên địa bàn không phải vận chuyển đi xa nên luôn tươi ngon, không bị dập nát, héo úa vì vậy sản phẩm của gia đình chị làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tại thị trấn quê nhà.
Vì vậy trên diện tích đất ruộng hơn 1000 m2, gia đình chị Chiên lúc nào cũng có nguồn thu. Chị cho biết “ Trồng rau xanh đòi hỏi phải bỏ nhiều công lao động từ làm đất, chăm sóc, thu hái đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên mỗi đơn vị diện tích lại cho thu nhập cao gấp 5- 6 lần so với trồng lúa. Vì vậy mỗi năm gia đình tôi đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng từ trồng rau đó là chưa kể phục vụ cho sinh hoạt của gia đình hàng ngày”. Bên cạnh đó để có nguồn phân bón, gia đình chị cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ban đầu do không có vốn nên gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng CSXH 30 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại và mua con giống. Từ đó trong chuồng nhà chị thường xuyên có 3 con lợn nái, hàng chục lợn thịt và 3 con trâu không chỉ giúp gia đình có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm mà còn đáp ứng được nhu cầu phân bón cho cánh đồng rau xanh của gia đình.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá, hàng năm gia đình chị Chiên đã có thu nhập ( sau khi trừ mọi chi phí) từ 30- 35 triệu đồng. Nhờ vậy gia đình chị từ một hộ nghèo chuyển thành hộ khá của thị trấn Yên Minh, cũng nhờ có nguồn thu đó mà chị đã nuôi các con ăn học đầy đủ và xây nhà khang trang. Tấm gương chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là tư duy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi hàng hoá để có nguồn thu nhập cao của chị Nguyễn thị Chiên thôn Nà Tèn- thị trấn Yên Minh ( Hà Giang) là một tấm gương tiêu biểu để mọi người dân học tập và làm theo.
Related news
Nhu cầu mua của khách hàng tăng, nguồn cung trong nước hạn chế, lợi thế cạnh tranh về giá so với Ấn Độ và Thái Lan được xác định là những yếu tố giúp xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sôi động trở lại trong thời gian gần đây.
Tại tỉnh Tiền Giang, giá bưởi da xanh thương lái thu mua tại vườn từ 50.000-60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đem lại lợi nhuận lớn cho bà con.
Khi hầu hết các vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu hoạch xong, thì những vườn vải thiều ở hai thôn Hóa và Hả, xã vùng cao Tân Sơn của huyện lại bắt đầu chín đỏ. Nhờ thế mà giá bán cũng cao gấp hai, gấp ba lần so với vải thiều chính vụ, giúp bà con kiếm được bội tiền từ quả vải thiều…