Trồng Ớt Sừng Trâu Lời Gấp 10 Lần Trồng Lúa
Thực hiện cơ cấu chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã đầu tư trồng ớt thay cây lúa, mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.
Hiện tại với 1 công đất trồng (1.000m2), cứ cách khoảng 2 ngày anh thu hái một lần được 30kg ớt sừng vàng châu Phi, bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các loại chi phí, anh còn lãi hơn 50 triệu đồng/2 vụ/năm. Có lúc cao điểm như dịp tết, ớt sừng vàng bán được giá đến 35.000 đồng/kg, làm gia đình anh rất phấn khởi, cuộc sống từ đó ổn định hơn.
Nông dân ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng nổi tiếng với mô hình trồng ớt làm giàu khá bài bản, thành lập hẳn một tổ hợp tác trồng ớt với hơn 25 thành viên. Ban đầu, gia đình anh Phạm Văn Hơn có 3 công đất trồng lúa không hiệu quả. Anh đã tham gia vào tổ hợp tác và chuyển đổi sang trồng giống ớt sừng trâu F1 châu Phi. Thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 2,5 tháng, gia đình anh thu hoạch hơn 2 tấn quả/công, thu gần 60 triệu đồng tiền lãi.
Gần đó có gia đình anh Phạm Phú Yên cũng tham gia vào tổ hợp tác trồng ớt với 1 công đất. Vụ này anh thu hoạch hơn 2,1 tấn quả/công, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ (3 tháng), cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Anh cho biết: “Khi trồng ớt, gia đình tôi có sử dụng màng phủ đem lại nhiều lợi ích như tránh được sâu bệnh, ít hao phân, thuốc trừ sâu...”.
Để đảm bảo cho các thành viên trong tổ hợp tác trồng ớt đạt hiệu quả kinh tế cao, tổ thường xuyên duy trì họp mặt các thành viên để đưa ra lịch thời vụ trồng bằng hình thức xoay vòng giữa các hộ trong tổ, tránh tình trạng dội chợ và liên kết với doanh nghiệp ở Cần Thơ thu mua toàn bộ sản phẩm.
Anh Huỳnh Văn Giàu - Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè cho biết: “Để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế gia đình, xã đã vận động thành lập tổ hợp tác trồng ớt, nhằm giúp cho các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất. Mô hình này hiện đang đạt hiệu quả khá cao, cho thu nhập gấp 8 - 10 lần trồng lúa. Xã sẽ tạo điều kiện cho tổ hợp tác trồng ớt tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng NNPTNT để nhân rộng mô hình”.
Có thể bạn quan tâm
Anh Huỳnh Văn Thu ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh lớn lên ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi. Năm 1998, anh lập gia đình riêng, 2 vợ chồng và các con chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng lúa, thu nhập không đủ sống. Anh phải đi làm đủ nghề khác vất vả mà vẫn không kiếm thêm được bao nhiêu. Thế rồi vợ chồng anh bàn bạc và quyết định phải chuyển sang chăn nuôi lợn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, ngày 22/05/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.
Cả nước hiện có 234 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, 40 doanh nghiệp còn lại (chủ yếu vốn trong nước) đã phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh.