Prices / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Cây Bí Xanh

Triển Vọng Từ Cây Bí Xanh
Author: 
Publish date: Sunday. June 17th, 2012

Qua trồng khảo nghiệm tại T.X Sông Công (Thái Nguyên), cây bí xanh bước đầu cho thấy ưu điểm nổi bật với thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với các cây trồng truyền thống khác như lạc, đỗ….

Cán bộ khuyến nông của thị xã hướng dẫn bà Tràng kỹ thuật chăm sóc cây bí xanh.

Khoảng 2 năm nay, cây bí xanh đã được nông dân T.X Sông Công đưa vào sản xuất trong vụ xuân hè và vụ thu đông. Tuy nhiên, diện tích trồng bí xanh còn ít, do đó số lượng sản phẩm hàng hóa cũng chưa nhiều. Nguyên nhân là do bà con nông dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng cây bí xanh nên còn e ngại trong sản xuất.

Đầu năm 2012, T.X Sông Công chính thức được thử nghiệm trồng giống bí xanh lai số 1 trên diện tích 10 ha đất nông nghiệp của 124 hộ nông dân xã Bá Xuyên, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh. Tham gia Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân rộng mô hình sản xuất cây bí xanh trên địa bàn T.X Sông Công”, các hộ dân được hỗ trợ tới 60% tiền giống và 40% vật tư thiết yếu cho chăm sóc theo định mức kỹ thuật.

Ngoài ra, các hộ nông dân còn được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch ngay tại địa phương. Đến nay, cây bí xanh đã thể hiện rõ ưu điểm vượt trội là thời gian sinh trưởng ngắn, dễ dễ chăm sóc và cho năng suất, sản lượng rất cao.

Chúng tôi đến xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên vào thời điểm đầu tháng 6, khi những gièo bí đang trĩu nặng những quả xanh biếc. Bà Nguyễn Thị Tràng là một trong 30 hộ dân của xóm tham gia Dự án vừa nhanh tay sửa lại những chiếc dèo bị cong do sức nặng của bí xanh vừa vui vẻ cho chúng tôi biết: Sau gần 90 ngày gieo trồng và chăm sóc dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông của thị xã và một số hàng xóm có kinh nghiệm khác, 2 sào bí xanh nhà tôi đã cho 3,8 tấn quả. Số bí xanh này đều đã có người ở thị xã đặt mua với giá 4 nghìn đồng/kg.

Như vậy, bà Tràng thu về tới trên 15 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, bà có thực lãi khoảng 13 triệu đồng, không kể tiền hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu của Dự án. Bà Tràng cho biết thêm, mức lợi nhuận này thực sự rất cao so với trồng lúa và các hoa mầu phổ biến khác. Trên cùng diện tích trên, nếu gia đình tôi trồng lúa thì chắc chỉ được lãi trên 1 triệu đồng. Vụ tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm 1 sào nữa, nâng tổng diện tích trồng bí xanh lên 3 sào.

Cũng cùng xóm với bà Tràng, gia đình ông Đặng Văn Phúc mạnh dạn tham gia Dự án với 1 mẫu đất để trồng bí xanh trong vụ xuân hè năm nay. Vụ bí này, gia đình ông nhẩm tính thu được khoảng 20 tấn quả. Đến nay, cũng đã có lái buôn ở Hà Nội đặt mua với giá 4 nghìn đồng/kg. Như vậy, gia đình ông có doanh thu khoảng 80 triệu đồng, trừ các chi phí về nhân công, phân bón, tiền giống khoảng 20 triệu đồng, gia đình ông đã có lãi 60 triệu đồng.

Ông cho biết, gia đình tôi đã tự tìm hiểu và trồng được 4 vụ từ trước, do đó đã có sẵn kinh nghiệm. Tôi thấy, trồng bí xanh cũng không đòi hỏi cao, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Lưu ý nhất là những khi trời mưa, chỉ cần tiêu úng nhanh là đảm bảo năng suất. Hiện tại, do thực hiện mô hình thành công với lợi nhuận cao, gia đình ông Phúc đang là “địa chỉ đỏ” cho hàng trăm nông dân trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Minh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, mô hình trồng bí xanh ở Bá Xuyên đã cho thành công ngoài mong đợi. 10 ha bí xanh cho thu hoạch khoảng 480 tấn quả, với giá thị trường hiện tại là 4 nghìn đồng/kg, như vậy, cho doanh thu là 1,9 tỷ đồng. Chi phí cho sản xuất 10 ha bí xanh là 530 triệu đồng. 10 ha bí xanh trồng khảo nghiệm đã có thể thu lãi được trên 1 tỷ đồng. Như vậy, cây bí xanh hoàn toàn có thể phát triển trồng thương phẩm trên diện tích lớn để nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Còn ông Tạ Văn Hạt, Trưởng phòng Kinh tế T.X Sông Công thì khẳng định, cây bí xanh không chỉ có ý nghĩa đối với người nông dân làm kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nếu thị xã mở rộng thành công diện tích trồng bí xanh thì còn thiết thực giải quyết thêm nhiều vấn đề xã hội trên địa bàn. Ông Hạt dẫn chứng, mỗi năm, thị xã thu hồi khoảng 100 ha đất nông nghiệp để phát triển đô thị và công nghiệp. Do đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học đang xảy ra nhanh (khoảng 5%/năm).

Hiện tại, T.X Sông Công có 2 trường cao đẳng, 1 khu công nghiệp, với dân số trên 5 vạn người, đây là một thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn. Rõ ràng, cây bí xanh đang là cây trồng phù với thị trường đó. Phát triển hiệu quả cây trồng này sẽ tạo việc làm và đem lại giá trị kinh tế cao cho lao động nông thôn. Ông Hạt cho biết, thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ tích cực tham mưu cho UBND thị xã triển khai chuyển từ mô hình khảo nghiệm sang sản xuất đại trà tại các xã xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 50 ha, đồng thời ứng dụng triển khai rộng rãi theo một quy hoạch và lộ trình chuyển đổi cây trồng khoa học, phù hợp với địa phương.

Related news

Nuôi Rắn Hổ Hèo: Một Vốn Bốn Lời Nuôi Rắn Hổ Hèo: Một Vốn Bốn Lời

Chỉ với diện tích vài chục mét vuông, anh Võ Thành Tâm (ấp Bến Đồn, xã Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương) không tận dụng để trồng rau hay hoa kiểng như nhiều người khác mà đã chọn cách nuôi rắn hổ hèo. “Ban đầu chỉ thấy người khác nuôi hiệu quả rồi làm theo nhưng không ngờ lại trở thành cái duyên của tôi đối với nghề nuôi rắn thương phẩm”, anh Tâm vui vẻ nói.

Sunday. June 17th, 2012
Trồng Rau Diếp Cá Đạt Lợi Nhuận Cao Trồng Rau Diếp Cá Đạt Lợi Nhuận Cao

Thời gian qua, một số nông dân tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trồng rau diếp cá cho lợi nhuận khá cao. Người đầu tiên mang rau diếp cá về trồng tại xã Láng Biển là vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Diệp.

Sunday. June 17th, 2012
Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh) Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh)

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Sunday. June 17th, 2012