Trang trại gà đẻ hơn 330.000 con 'xịn' nhất Tiền Giang
Để quản lý lượng gà lớn như vậy, anh phải sử dụng các phần mềm kỹ thuật công nghệ như phần mềm quản lý vacxin, hệ thống quản lý nhiệt độ chuồng trại gà để đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng 27 - 28oC...
Anh Lê Văn Hòa giới thiệu sản xuất với chuyên gia Hội Phúc lợi Động vật quốc tế
Tiền Giang là tỉnh nằm trong tốp 10 địa phương của cả nước đa dạng sản phẩm chăn nuôi với thương hiệu uy tín như gà ta Gò Công, gà tre Hương Việt, gà ác Phụng Anh, chim cút Nguyễn Hồ... Đáng chú ý là anh Lê Văn Hòa, ngụ tại thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo sở hữu trại gà đẻ trứng hơn 330.000 con.
Trước căn nhà bề thế và chiếc xe hơi của chàng trai tuổi 8X - Lê Văn Hòa, ai nấy xuýt xoa khen ngợi. Lê Văn Hòa cho biết, để phát triển được quy mô bề thế như hôm nay, anh đã trải qua không ít thăng trầm nghề chăn nuôi gà. Mỗi khi dịch bệnh hoành hành là tâm trạng anh lại căng thẳng, phập phồng lo âu hoặc khi thị trường rớt giá, trứng gà dội chợ, trứng tồn đầy kho mà ruột gan như thắt lại…
Hòa sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống chăn nuôi với người cha cũng khá nổi tiếng - ông Năm Hưởng. Khi ra trường, Hòa không nghĩ mình sẽ theo nghề chăn nuôi của gia đình mà theo ngành du lịch. Thế nhưng, năm 2003, việc “nuôi chơi” đàn gà 10.000 con đã cuốn hút anh và rồi, sau khi lập gia đình, anh quyết định đầu tư nuôi gà đẻ. Đến năm 2009, đàn gà của anh đã phát triển hơn 30.000 con.
Đến nay trang trại gà đẻ của Lê Văn Hòa đã đạt trên 300.000 con, nuôi trong 32 dãy trại trên địa bàn 2 xã Bình Phan, Bình Ninh. Mỗi dãy trại rộng trên 1.500m2 với các hệ thống quản lý nhiệt độ, thức ăn và nước uống khoa học.
Giữa cái nắng oi gắt đặc trưng của miền Tây, bước vào trại gà của Lê Văn Hòa rồi thì hầu như không ai muốn... trở ra bởi không khí mát mẻ, không hề có mùi hôi. Trước khi vô trại, các phương tiện và con người đều phải đi qua khâu xử lý vô trùng bằng hóa chất.
Anh cho biết, để quản lý lượng gà lớn như vậy, anh phải sử dụng các phần mềm kỹ thuật công nghệ như phần mềm quản lý vacxin, hệ thống quản lý nhiệt độ chuồng trại gà để đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng 27 - 28oC, hệ thống lọc và xử lý nước uống cho gà, quản lý thức ăn chăn nuôi bằng tháp phun tự động Cillo… Hơn thế, Hòa còn đầu tư xưởng chế biến thức ăn cho gà để chủ động nguyên liệu và kiểm soát không có lượng kháng sinh.
Từ nhỏ đã "ăn ở" trong môi trường chăn nuôi nên Hòa hiểu sâu sắc tầm quan trọng của công tác phòng chống bệnh dịch. Anh cũng được sự hỗ trợ kỹ thuật của đội ngũ bác sĩ thú y, kỹ sư chăn nuôi của huyện. Nhờ vậy, trải qua bao đợt dịch bệnh, trại gà của anh chưa từng bị “dính chưởng”.
Lê Văn Hòa bên dãy trại hậu bị
Anh Lê Quang Hòa cho biết, trại úm và trại hậu bị nằm khá xa trại gà đẻ. Khi nào gà khu hậu bị được tiêm vacxin đầy đủ mới chuyển sang khu gà đẻ. Các vacxin được đặc biệt chú ý là IB, tả và hội chứng giảm đẻ…, trong đó tiêm ngừa tả là quan trọng nhất, gà chuẩn bị lên đẻ mà mẫu máu chưa đạt anh vẫn cho tiêm lại vacxin tả.
Hòa nhấn mạnh, việc đảm bảo tỷ lệ đạt hiệu quả cao trong tiêm vacxin không chỉ để được chứng nhận an toàn dịch bệnh loại A, mà chính là đạt năng suất, chất lượng trứng.
Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang cho biết, trại gà của Lê Văn Hòa không chỉ đạt chứng nhận về an toàn dịch bệnh mà đang thẩm định để cấp đạt chuẩn VietGAP.
Anh Lê Văn Hòa chia sẻ, mặc dù đã ký được hợp đồng cung cấp trứng sạch cho Cty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, nhưng anh vẫn đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu "Trứng gà Năm Hưởng".
"Tôi không dừng lại ở chuẩn VietGAP mà sẽ phấn đấu đạt chuẩn GlobalGAP với hy vọng sẽ xuất khẩu trứng gà đi các nước. Với thị trường nội địa, tôi chuẩn bị SX trứng gà Omega 3, Omega 6 cung cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo", anh Hòa cho biết thêm.
Related news
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2017, nước ta đã xuất khẩu hạt điều được 225.248 tấn hạt điều, giá trị 2,23 tỷ USD.
Thanh long là loại quả tươi thứ ba của Việt Nam được vào Australia sau trái vải thiều và xoài.Lô hàng thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam ra sạp tại Australia
Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả sản xuất cà phê là phải tái canh hàng trăm ngàn ha bị “lão hóa”.