Tôm nước lợ 'ngược dòng' ngoạn mục, tạo bất ngờ lớn
Trái với lo lắng do ảnh hưởng của một năm khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, diện tích, sản lượng tôm năm nay có khả năng sẽ lập kỷ lục ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Trong ảnh: XK tôm 2016 sẽ đạt 3,1 – 3,2 tỉ USD
Năm 2016 nhiều khả năng sẽ là “năm đặc biệt” của SX tôm
SX tôm nước lợ trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ tạo nên bất ngờ lớn. Bởi trái với lo lắng do ảnh hưởng của một năm khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, diện tích, sản lượng tôm năm nay có khả năng sẽ lập kỷ lục ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Bất ngờ
Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù là năm mà ngành thủy sản phải đối mặt với rất nhiều thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng lịch sử tại vùng ĐBSCL, tuy nhiên bất ngờ là tính đến ngày 30/11/2016, thống kê cho thấy tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước vẫn đạt 3,23 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch XK thủy sản lũy kế 11 tháng đầu năm 2016 đạt trên 6 tỉ USD, đạt xấp xỉ 80% so với kế hoạch…
Bất ngờ nhất đến thời điểm này phải kể tới SX tôm nước lợ, với tổng sản lượng tính đến ngày 30/11 đã cán mốc 570 nghìn tấn, diện tích nuôi xấp xỉ 700 nghìn ha, tăng 1,3% so với năm 2015 (trong đó tôm sú trên 600 nghìn ha, sản lượng gần 240 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng trên 90 nghìn ha).
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Ngoại trừ Cà Mau tới thời điểm này chưa đạt kế hoạch về sản lượng, còn lại tất cả các tỉnh nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL hiện đều đã vượt về sản lượng so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt riêng tỉnh Sóc Trăng ước sản lượng tôm cả năm 2016 sẽ tăng tới gần 40 nghìn tấn, và là năm có sản lượng tôm cao nhất từ trước tới nay ở tỉnh này.
Theo ông Cẩn, hiện thời vụ thu hoạch tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa kết thúc, vì vậy nếu tính tới cuối tháng 12/2016, tổng sản lượng tôm nước lợ cả nước có thể cán mốc 650 nghìn tấn là hoàn toàn có thể. Nếu vậy, 2016 sẽ là năm mà sản lượng tôm nước lợ cán mốc kỷ lục, bởi so với nhiều năm gần đây, sản lượng tôm nước lợ chỉ xoay quanh khoảng 600 nghìn tấn, cá biệt năm 2014 là năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 630 nghìn tấn.
Năm 2016 nhiều khả năng sẽ là “năm đặc biệt” của SX tôm
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: Nếu như 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt hơn 190 nghìn tấn, cả ngành thủy sản lo lắng do ảnh hưởng của hạn, mặn ở ĐBSCL thì 6 tháng cuối năm, SX tôm đã tạo được sự bứt phá hết sức ngoạn mục.
Theo ông Tám, kết quả của SX tôm không chỉ là kỳ vọng riêng của ngành nông nghiệp, mà còn là kỳ vọng của Chính phủ trong điều kiện khó khăn như năm 2016. Vì vậy nếu sản lượng tôm nước lợ cả năm 2016 cán mốc 650 nghìn tấn, thì đây sẽ là năm ghi dấu ấn đặc biệt cho ngành tôm Việt Nam, và sẽ là năm mà SX tôm sẽ rút ra được rất nhiều bài học quý giá cho những năm tới đây.
Thị trường rộng mở
Bên cạnh niềm vui được mùa, XK tôm thuận lợi cũng đang giúp giá tôm trong nước ở mức cao. Theo khảo sát của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, hiện giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tùy chủng loại và kích cỡ đang dao động ở khoảng 230 nghìn đồng/kg đối với tôm sú và 160 nghìn đồng/kg đối với tôm thẻ, người nuôi rất phấn khởi. Trong khi đó, thị trường XK tôm Việt Nam vẫn tiếp tục có tín hiệu suôn sẻ.
Năm 2016 nhiều khả năng sẽ là “năm đặc biệt” của SX tôm
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Trong kịch bản SX nguyên liệu trong nước đạt được 650 nghìn tấn, nếu trừ đi lượng tiêu thụ nội địa thì con số XK sẽ đạt khoảng 600 nghìn tấn, với tình hình XK thuận lợi như thời gian vừa qua, nếu không có gì biến động bất thường trong các tuần cuối tháng 12/2016 thì kim ngạch XK tôm cả năm 2016 đạt từ 3,1 – 3,2 tỉ USD là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Về định hướng, ông Nam cho rằng: Định hướng mở rộng SX tôm sú của ngành thủy sản thời gian qua là rất trúng, và cần tiếp tục giữ cho được diện tích tôm sú, nhất là mở rộng đa dạng các hình thức tôm sú quảng canh như tôm - rừng, tôm - lúa… trong thời gian tới.
Bởi tới nay, tôm sú vẫn đang là mặt hàng có lợi thế nhất của Việt Nam do không có đối thủ cạnh tranh. Một số chủng loại tôm sú quảng canh cỡ lớn khoảng 6 con/kg hiện nay thị trường cấp cao rất khan hiếm, thị trường thế giới hàng năm chỉ có khoảng 1.000 tấn, trong đó gần như chỉ có sản phẩm của Việt Nam, tập trung vào 1-2 DN mà thôi nên tiềm năng vô cùng rộng mở.
Không chỉ tôm, SX cá tra trong 11 tháng đầu năm 2016 cũng thu được những kết quả rất ấn tượng. Theo thống kê của các tỉnh trọng điểm nuôi cá tra tính đến hết tháng 11/2016, diện tích cá thả nuôi ước đạt 4.655ha, sản lượng ước đạt 1,065 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2015.
Đặc biệt, giá cá tra tại ao trung bình toàn vùng ĐBSCL là 21.600 đ/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 khoảng 2.400 đ/kg (giá cá tra tại An Giang và Đồng Tháp đang ở mức khá, từ 22.500 – 23.000 đ/kg).
Related news
Cá dứa được xếp vào hàng “đặc sản” hiếm có khó tìm của huyện Cần Giờ (TP.HCM). Hiện mỗi kg cá dứa nguyên liệu được bà con địa phương nuôi và bán với giá 120.000
Ngày 1.12, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè dọc sông Tam Kỳ qua TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam lâm cảnh lao đao khi hồ Phú Ninh xả lũ bất ngờ.
Hội thảo "Sự phân bố và bảo tồn các loài đang bị đe dọa ở ĐSBCL đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững" do VASEP tổ chức tại Cần Thơ