Mở rộng nuôi thủy sản, sinh vật quý hiếm bị đe dọa
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Sự phân bố và bảo tồn các loài đang bị đe dọa ở ĐSBCL đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững”, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức tại TP.Cần Thơ.
Trong ảnh: Cải tạo đất nuôi tôm tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hoạt động này có thể khiến nhiều sinh vật quý hiếm mất đi. Ảnh: Huỳnh Xây
Bị đe dọa ngày càng tăng
Theo báo cáo được cung cấp tại hội thảo, ở An Giang, có 6 nhóm sinh vật quý hiếm gồm: Thực vật, chim, cá, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư. Theo thống kê năm 2012, nơi đây có 17 loài sinh vật bị đe dọa, trong đó có số loài sinh vật nằm trong danh Sách đỏ Việt Nam là 17 loài, Sách đỏ IUCN là 10 loài. Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng số loài sinh vật nằm trong danh sách bị đe dọa tăng lên đến 72 loài. Trong đó, có số loài sinh vật nằm trong danh Sách đỏ Việt Nam là 63 loài, Sách đỏ IUCN là 40 loài.
Còn tại Đồng Tháp, có 7 nhóm sinh vật quý hiếm gồm: Thực vật, chim, cá, động vật có vú, bò sát, lưỡng cư và côn trùng. Năm 2012, tỉnh này có 30 loài sinh vật bị đe dọa, trong đó số sinh vật nằm trong danh Sách đỏ Việt Nam là 30 loài, Sách đỏ IUCN là 17 loài. Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng số loài sinh vật nằm trong danh sách bị đe dọa đến 35 loài (nằm trong danh Sách đỏ Việt Nam là 34 loài, Sách đỏ IUCN là 21 loài).
Tương tự như 2 địa phương trên, so sánh số liệu thống kê năm 2016 so với trước đó 4 năm (năm 2012) thì số loài sinh vật bị đe dọa đều theo khuynh hướng tăng. Cùng với đó, số loài nằm trong danh Sách đỏ của Việt Nam và IUCN đều tăng theo.
TS Dương Trí Dũng – khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), đại diện nhóm nghiên cứu về các sinh vật quý hiếm ở ĐBSCL cho biết, số liệu trên có được từ báo cáo điều tra của các địa phương, các vườn quốc gia, khu bảo tồn (Láng Sen, Trà Chim, Mũi Cà Mau, U Minh Thượng) và phỏng vấn từ người dân.
Do cải tạo đất nuôi thuỷ sản
PSG-TS Nguyễn Văn Công – khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), nguyên nhân các loài sinh vật bị đe dọa phần lớn là bị giảm không gian sinh sống, nơi cư trú từ việc mở rộng diện tích nuôi thủy sản. “Người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang ao nuôi thuỷ sản rất nhiều, khi bơm bùn, cải tạo ao đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của thủy sinh vật quý hiếm. Còn trong quá trình nuôi thuỷ sản, người dân đã để lưới tại ao, các sinh vật quý hiếm này tìm kiếm thức ăn quanh đó đã bị vướng rồi chết hoặc cảm thấy không an toàn nên di cư…” – PSG- TS Công nói.
Về giải pháp bảo vệ các loài đang bị đe dọa trên, PSG-TS Nguyễn Văn Công cho rằng, cần trồng, duy trì thảm thực vật ở những khu vực hợp lý nhất trong trang trại nuôi thủy sản để tạo nơi cư trú tạm thời cho các loài quý hiếm. Ngoài ra, cần có biện pháp quản lý chất thải đúng quy định, có bố trí ao trữ nước thải cũng như có nơi trữ bao bì hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi.
Nhiều ý kiến cho rằng cần khuyến khích người dân nuôi thủy sản theo dạng chứng nhận của cấp có thẩm quyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và công nhân ở các trang trại nuôi thủy sản. Cũng có nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần ban hành những quy định và hướng dẫn cứu hộ các loài quý hiếm, nâng cao nhận thức cứu hộ sinh vật quý hiếm cho các địa phương. Riêng các cơ quan chức năng ở các địa phương trong vùng cần liên kết, để từ đó tăng cường năng lực trong bảo vệ các loài sinh vật trên.
Related news
Dù mới bước vào nghề nuôi tôm nhưng ngay trong năm đầu tiên, anh Đinh Văn Quý (ở xã Tiến Tới, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) đã “bỏ túi” gần 2,5 tỷ đồng
Cá dứa được xếp vào hàng “đặc sản” hiếm có khó tìm của huyện Cần Giờ (TP.HCM). Hiện mỗi kg cá dứa nguyên liệu được bà con địa phương nuôi và bán với giá 120.000
Ngày 1.12, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè dọc sông Tam Kỳ qua TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam lâm cảnh lao đao khi hồ Phú Ninh xả lũ bất ngờ.