Tìm Đầu Ra Cho Cây Điều Ở Đồng Nai
Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Ở Đông Nam bộ, Đồng Nai là tỉnh có diện tích điều lớn thứ hai sau Bình Phước. Cây điều từng được xem là “cây của người nghèo” vì dễ trồng, có thể sống được ở các vùng đất khô cằn, thiếu nước. Để cây điều có đầu ra ổn định hơn, Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu.
* Gắn kết nông dân - doanh nghiệp
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai có diện tích điều lớn, nhưng năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ hơn 1 tấn/hécta/năm. Những năm giá hạt điều cao, nông dân lãi khoảng 15 triệu đồng/hécta, song năm nay, hạt điều giảm xuống còn 19 - 22 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận chỉ còn 5 - 7 triệu đồng/hécta. Có những hộ năng suất quá thấp nên chỉ mong huề vốn. Do lợi nhuận không cao, ở nhiều vùng nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao, như: cao su, cây ăn trái, cà phê… Để giúp nông dân trồng điều có đầu ra ổn định, nhà máy sản xuất có vùng nguyên liệu, tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm gắn kết nông dân với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty Donafoods - một trong các đơn vị chế biến và xuất khẩu điều lớn nhất Đồng Nai - nhận định: “Thời gian qua, cây điều ở Đồng Nai có đầu ra bấp bênh là do chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và chưa có sự kết hợp giữa vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nên cả nông dân và doanh nghiệp đều khó khăn”. Hiện tỉnh đang thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu điều tại 9 xã của 3 huyện, gồm: Xuân Trường, Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Suối Cao, Suối Cát (huyện Xuân Lộc), Phú Vinh, Phú Túc, Suối Nho (huyện Định Quán) và An Viễn (huyện Trảng Bom). Diện tích quy hoạch cho vùng nguyên liệu này là trên 11 ngàn hécta và Donafoods sẽ ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, đồng thời hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho nông dân.
Khá nhiều nông dân trồng điều cho biết, họ kỳ vọng nhiều vào chương trình kết nối này. Bà Phạm Thị Quế ở ấp 3, xã An Viễn (huyện Trảng Bom) nói: “Gia đình tôi có hơn 2 hécta điều, đến vụ thu hoạch lại lo thời tiết mưa nhiều điều không bán được sẽ bị hư hỏng. Nếu có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và hỗ trợ vốn, kỹ thuật, tôi sẽ bớt lo đầu ra, yên tâm đầu tư để có năng suất cao”.
* Hai bên cùng lợi
Ông Nguyễn Thái Học cho biết, hàng năm Donafoods phải nhập khẩu hàng ngàn tấn hạt điều thô để chế biến xuất khẩu. Nếu tạo được vùng nguyên liệu trong tỉnh thì cả DN và nông dân cùng có lợi. Vì DN sẽ có một lượng nguyên liệu ổn định để sản xuất, còn nông dân không phải lo lắng đến đầu ra, yên tâm chăm sóc cây để tăng năng suất. Dự tính từ năm 2013 - 2015, thông qua các câu lạc bộ, hợp tác xã, trang trại…, Donafoods sẽ hỗ trợ giống mới năng suất cao cho nông dân trong vùng nguyên liệu để thay thế dần các diện tích điều có năng suất thấp, hạt nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài phần vốn Donafoods cho dân vay, nếu nông dân có nhu cầu vay thêm vốn đầu tư, công ty sẽ ký “hợp đồng tay ba” giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng để giúp dân vay thêm vốn. Vào vụ thu hoạch, hạt điều sẽ được Donafoods mua bằng giá thị trường để nông dân không bị thiệt thòi.
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân tích: “Để cây điều có đầu ra ổn định, tỉnh phải xây dựng được vùng nguyên liệu và làm cầu nối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất chế biến có uy tín. Như vậy tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán, sản xuất không đảm bảo chất lượng và bán phá giá gây tổn thất lớn cho thương hiệu điều, gây thiệt thòi cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân”. Mặt khác, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây điều trồng lại giống mới, chăm sóc đúng kỹ thuật thì khả năng mỗi hécta có thể cho năng suất 3 - 4 tấn/năm. Cùng với đầu ra ổn định, nông dân trồng điều sẽ có cuộc sống khá giả hơn.
Related news
Sáng 6/6, Hội đồng khoa học tỉnh Phú Yên tổ chức xét duyệt và thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và quy trình quản lý sản phẩm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ đại dương Phú Yên” (PHUYEN TUNA)”.
Phòng NN - PTNT Lục Ngạn (Bắc Giang) đang hỗ trợ 38 hộ nông dân ở thôn Thượng, xã Hồng Giang thực hiện mô hình trồng 4 ha giống cà chua Hồng Châu của Cty Sygenta Việt Nam. Đây là giống cà chua lai F1, có đặc điểm: kháng bệnh vàng xoăn lá tốt; sinh trưởng và phát triển khoẻ, chiều cao của cây đạt từ 1,2 – 1,4 m; tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả sai (từ 80 – 120 quả/cây)
Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra tôm chết hàng loạt, khiến nông dân loay hoay chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa đã xuống giống khoảng 150 ha diện tích ao, hồ, nhưng đã có hơn 100 ha tôm chết, khiến bà con rơi vào cảnh điêu đứng.