Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn Ở Thạnh Ngãi
Nói đến nông dân, người ta thường hay ngợi ca đức tính siêng năng, chịu thương chịu khó. Lao động trong nền nông nghiệp ngày càng phát triển như hiện nay, ngoài những phẩm chất trên, người nông dân còn biết sáng tạo, không ngừng học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Anh Nguyễn Văn Thanh, 40 tuổi, ở ấp Xóm Cối, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc là một ví dụ điển hình. Anh là người khởi xướng và là nông dân đứng đầu thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô lớn ở xã Thạnh Ngãi trong suốt 3 năm qua.
Vốn là nông dân “thứ thiệt” nên từ trồng trọt đến chăn nuôi, việc gì anh Thanh cật lực làm, cốt yếu là để thoát nghèo. Lúc trước anh được nhiều người biết đến nhờ “mát tay” nuôi heo. Từ khi giá cả bấp bênh, anh không hy vọng nhiều vào con heo nữa và quyết định nuôi thêm gà. Lần thứ nhất anh nuôi 300 con, sau hơn 3 tháng chỉ còn 60 con xuất chuồng. Lần thứ hai, anh nuôi 500 con thì còn trên 100 con... Mặc dù hiệu quả kinh tế không như mong đợi nhưng anh Thanh không hề nản chí. “Thất bại là mẹ thành công”, “ngã chỗ nào thì đứng lên chỗ ấy”, từ suy nghĩ trên, cộng với ý chí thoát nghèo, anh cố gắng tìm cách hồi phục đàn gà. Anh luôn tự đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao gà chết? vì sao gà bị trụi lông? Trãi qua thực tiễn và đọc thêm nhiều tài liệu, anh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đáng giá. Đó là, muốn gà có bộ lông đẹp thì phải được cung cấp đầy đủ chất khoáng. Chất khoáng nhiều chừng nào thì lông đẹp nhiều chừng ấy. Nếu thiếu chất khoáng, các chú gà sẽ ăn lông lẫn nhau. Vì vậy, trong khi những người nông dân khác không ngừng bổ sung chất sắt cho gà thì anh Thanh lại cung cấp chất khoáng mỗi ngày (chất khoáng trộn với thức ăn). Bởi theo anh, chất khoáng sẽ cung cấp đủ cả hai chất sắt và kẽm, rất có lợi cho sức khỏe của gà. Bên cạnh đó, muốn gà tăng trọng nhanh thì cần phải được thường xuyên “tẩm” bổ (uống thuốc bổ). Anh Thanh chia sẻ: nuôi gà khó hơn nuôi heo nhiều, đòi hỏi sự nhẫn nại và tuân thủ quy trình kỹ thuật để chẳng những đạt tỷ lệ gà sống cao mà còn tốt mã. Bản thân anh Thanh, đã không làm thì thôi nếu đã làm thì làm cho tới. Vì vậy, anh không ngại bỏ ra chi phí cao để nuôi gà. Thường người ta bỏ 2 triệu đồng để nuôi đàn gà 1.000 con thì anh Thanh sẵn sàng bỏ đến 3 triệu đồng. Anh nói: “Tôi không tiếc tiền cho bước đầu tư ban đầu, vì tin chắc rằng tôi sẽ thu lợi nhuận cao gấp 5 gấp 7 lần”.
Nhờ tính quyết đoán ấy nên mô hình nuôi gà của anh ngày càng có hiệu quả. 1,5 năm trở lại đây, cứ đến hạn xuất chuồng, đàn gà của anh luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Gà lớn nhất cân nặng từ 1,7-1,8 kg, nhỏ nhất từ 1,1-1,3 kg. Thương lái ở nhiều nơi tìm tới mua, đặt hàng trước mặc dù còn ½ tháng nữa đàn gà mới đến ngày xuất chuồng. Anh Nhân-thương lái ở Mỏ Cày Bắc khen ngợi: Anh Thanh nuôi gà rất khéo, mặc dù nuôi với mật độ dày nhưng không có con gà nào bị trống lưng; con nào cũng đủ khoáng và dinh dưỡng.
Từ đầu năm đến nay, với giá gà bình quân 56.000 đồng/kg, đời sống kinh tế gia đình anh Thanh được cải thiện. Cứ xuất chuồng 3.000 con, anh Thanh nhận được lãi trên 60 triệu đồng (trừ các khoản chi phí). Một năm anh xuất chuồng ít nhất 3 lần. Anh Thanh cho biết: Tính ra nuôi gà thu lợi nhuận cao hơn nuôi heo nhưng cực hơn nhiều, tốn nhiều thời gian và công sức trong việc chăm sóc và phòng bệnh... Ví dụ cứ 1 ngày tuổi phải tiêm vacin phòng chống dịch tả, viêm phổi, 7 ngày tuổi thì phòng chống bệnh đậu, phòng chống H5N1…
Anh Nguyễn Vũ Phương, cán bộ Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Mô hình nuôi gà thả vườn của anh Thanh đã thật sự lôi cuốn nhiều nông dân trong vùng. Nhiều hộ trước nay chỉ chuyên nuôi heo nay đã chuyển sang nuôi gà. Đã từng là nông dân nuôi heo có quy mô từ 100-200 con, anh Nguyễn Văn Thuyết, xã Thạnh Ngãi nhẩm tính: Nuôi đàn gà 3.000 con, vốn tương đương với đàn heo 50 con nhưng lại có lợi nhuận bằng đàn heo cả trăm con
Related news
Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương, những năm qua Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. UBND thị trấn đã rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi. Hằng năm, thị trấn tổ chức từ 8 - 10 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho hàng trăm lượt hộ dân
Sáng 27-3, Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 54 năm thành lập ngành thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2013).
Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) vừa cho biết, sản lượng thủy sản 9 tháng qua ước tính đạt 4.496 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.