Thất Bát Vụ Dưa Hấu
Những ngày gần đây, khi nhiều vùng dưa hấu trong tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị được thu hoạch thì gặp mưa lớn liên tiếp, thiệt hại cả về năng suất, chất lượng và giá bán.
Mất mùa do thời tiết
Gia đình anh Dương Văn Tuyết ở thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) trồng dưa hấu từ lâu. Hầu như năm nào, gia đình anh cũng dành từ 4-5 sào ruộng để trồng dưa. Đây là nguồn mang lại thu nhập chính cho gia đình anh. Năm nay, sau khi trồng, gia đình anh chăm bón rất cẩn thận với mong muốn đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị được thu thì hoạch trời mưa kéo dài làm dây dưa héo, lá bị táp và 65-70% số quả dưa bị thối.
Anh Tuyết cho biết: "Để cứu ruộng dưa, khi trời bắt đầu mưa, tôi đã dùng máy bơm đặt ở đầu bờ để bơm nước ra ngoài. Trận mưa ngày 22-7 vừa qua, ruộng dưa nhà tôi ngập đến 4-5 tiếng. Đến sáng 23-7, tôi vẫn phải dùng máy bơm để gạn nước ra ngoài. Mưa không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng quả mà còn làm giá bán giảm hẳn. Gia đình nào cũng lo sợ dưa bị thối nên thu hoạch non.
Giá dưa hiện chỉ còn 2.000 đồng một quả từ 2 kg trở lên, giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Vậy mà gọi thương lái mấy hôm nay cũng chưa có ai nhận mua hàng. Nếu cứ để như thế này thì một vài hôm nữa dưa sẽ thối hết, chúng tôi sẽ lỗ vốn khoảng 2 triệu đồng/sào, đó là chưa kể công chăm sóc”.
Nông dân Gia Lộc cũng đang rối bời bởi dưa đến ngày thu hoạch nhưng nhiều quả bị thối, chất lượng không bảo đảm. Ông Phạm Văn Thiêm ở thôn Nội, xã Toàn Thắng đang nhanh tay thu hoạch nốt những quả dưa còn lại trên ruộng cho biết: “Quả to, quả bé tôi hái hết, bán được quả nào cho thương lái thì bán còn không lại đem ra chợ. Nếu để ở đây thì cũng 1-2 ngày nữa là thối hết. Tính ra, vụ dưa hấu năm nay không được lãi mà còn bị lỗ vốn.
Tôi đã phải đầu tư tiền thuốc trừ sâu, phân bón, giống khoảng 2,5 triệu đồng/sào, đó là chưa kể công chăm bón. Nhưng năm nay, sản lượng đạt thấp, trừ quả thối, quả nhỏ, 1 sào dưa nhà tôi chỉ thu khoảng 2,5 tạ, trong khi đó, giá bán hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg, mà thương lái cũng chọn kỹ. Tính ra, 1 sào dưa tôi thu chưa được 500 nghìn đồng, lỗ 2 triệu đồng”.
Mong vớt vát lại chút vốn bỏ ra, chị Nguyễn Thị Sinh ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi chọn cách ngồi ở ven đường 393 bán hàng. Gia đình chị Sinh có 2,5 sào dưa, đã thu hoạch được một nửa, còn một nửa thì bị mưa làm hỏng. Năm trước, chị luôn bán dưa ở mức 6.000-7.000 đồng/kg tại ruộng thì năm nay đầu vụ bán được 3.000-4.000 đồng/kg, còn hiện nay, nếu bán cho thương lái chỉ còn 2.000 đồng/kg, nếu bán trực tiếp cho người đi đường thì cũng chỉ có 5.000 đồng/kg. May mắn thì gia đình chị được hòa vốn.
Bài học kinh nghiệm
Ông Đặng Văn Tòng, Trưởng thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) cho biết, những năm gần đây, do cấy lúa không hiệu quả nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng rau màu. Vụ hè năm nay, toàn thôn trồng 22 ha dưa hấu, tăng hơn vụ hè năm trước 5 ha. Tuy nhiên, diện tích dưa lại trồng lẫn với lúa, nằm ở 5-6 cánh đồng khác nhau. Hệ thống tiêu thoát nước của thôn chưa được xây dựng, khi ngập thì người dân tự chống úng.
Sản phẩm của người dân vẫn tiêu thụ trên thị trường tự do.Vì thế khi vào mùa thu hoạch rộ, người sản xuất hay bị tư thương ép giá. Thời tiết đóng vai trò quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của rau màu. Khi thời tiết biến đổi, dưa hấu khó thích nghi. Tất cả những yếu tố trên đã làm cho năng suất và giá dưa hấu năm nay đều giảm so với năm trước.
Đầu vụ giá chỉ ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kg, sau đó tăng lên được đến 6.000 đồng, còn hiện nay dưa hấu có giá 2.000 - 2.500 đồng/kg, năm trước từ 4.500 - 7.000 đồng/kg. Năng suất năm trước trung bình đạt 6 tạ/sào thì năm nay dưa của gia đình nào cao mới được 4 tạ, còn không chỉ được 3 tạ/sào. Tính ra, khoảng 60% số hộ trong thôn trồng dưa bị lỗ vốn.
Theo bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ hè năm nay diện tích dưa hấu toàn tỉnh vẫn giữ ở mức khoảng 1.300 ha, tương đương với năm trước. Từ tháng 7 trở về trước, người trồng dưa hấu vẫn được lãi bởi năng suất và giá bán ở mức khá. Chỉ từ tháng 7 trở lại đây, do thời tiết mưa nhiều nên đã làm ảnh hưởng đến năng suất, giá bán dưa.
Dưa hấu là cây nhạy cảm, chỉ cần mỗi ngày ngập trong nước từ 3-4 tiếng là cây bị héo, lá bị táp, phát sinh bệnh thán thư và bệnh héo xanh. Ngoài ra, do rễ cây ngập dưới nước lâu nên dễ bị hỏng và hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho các loại bệnh này. Ngoài ra, những năm gần đây, người dân "lười" thâm canh, vẫn giữ nguyên 1 loại cây trồng trên 1 loại đất càng làm cho bệnh dễ phát sinh.
Thời tiết mưa thường xuyên làm cho vi-rút càng dễ dàng phát tán. Bên cạnh đó, việc quy vùng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do nhiều người muốn cấy lúa trong vụ này để bảo đảm lương thực, dẫn đến việc tiêu thoát nước cho các vùng trồng xen canh khó khăn.
Để không bị thiệt hại, nông dân cần tính đến đặc điểm khí hậu, thời tiết trước khi trồng. Nên lựa chọn các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt trồng vào những mùa thời tiết phức tạp. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc quy vùng và đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu cho hoàn thiện bởi không chỉ dưa hấu mà nhiều loại rau màu khác cũng khó sống khi bị ngập nước. Nông dân nên thường xuyên thay đổi cây trồng để hạn chế các loại sâu bệnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mô hình dưa hấu leo giàn. Về khoa học, hình thức này sẽ hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất cao bởi trồng được nhiều gốc. Các địa phương và nông dân cần nghiên cứu mô hình này để ứng dụng trong thực tế. Nông dân cũng cần tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi trồng cây, tránh tình trạng cung vượt quá cầu dẫn đến bị tư thương ép giá.
Related news
Vào cuối những năm 1950, ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) đã được cho phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản (E324) chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự phân hủy của một số vitamin, ngăn chặn sự phân hóa các chất béo và các hợp chất liên quan, đồng thời ngăn peroxide hình thành trong các loại thức ăn chăn nuôi
Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.
Công ty WWF chi nhánh TP.Cần Thơ phối hợp với UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa tổ chức lớp tập huấn nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững cho hơn 60 nông dân của hợp tác xã Quyết Thắng, tổ hợp tác Thuận Thành và tổ hợp tác Phát Tài ở xã Ngọc Tố.