Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Của Anh Huỳnh Văn Hạnh
Vài năm gần đây anh Huỳnh Văn Hạnh ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy - Tiền Giang) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.
Thông qua các lớp tập huấn khuyến ngư và tham khảo sách báo, anh Hạnh nắm vững kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo. Lúc đầu, anh thiết kế 3 vèo bằng lưới nylon, loại kích cỡ dày có diện tích 9 m2/vèo, làm xong anh mua cá giống ở tỉnh Đồng Tháp về thả. Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn cá của anh nuôi tăng trưởng nhanh, hơn 4 tháng tuổi trọng lượng bình quân đạt 0,4 kg/con.
Bình quân anh nuôi 4 - 5 tháng/lứa, tùy theo kích cỡ con giống. Kinh nghiệm nuôi cá lóc trong vèo của anh là chọn loại cá giống có trọng lượng khoảng 60 g/con, mật độ thả khoảng 50 con/m2, mỗi lứa thả khoảng 1.500 con chia đều trong 3 vèo. Sau khi nuôi hơn 4 tháng, trừ hao hụt 10% anh thu được trên 0,5 tấn cá thương phẩm, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg, nuôi 2 đợt/năm, tổng thu 44 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, con giống, anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Anh Hạnh cho biết, trong quá trình nuôi phải thực hiện kỹ thuật nghiêm ngặt, trước khi thả con giống, phải để cá trong túi nylon từ 10 - 15 phút, cho nước vào túi, từ từ thả cá ra ao. Đặc biệt, trước khi thả cá, nên tắm cá bằng nước muối có nồng độ 5% và thả cá vào sáng sớm hay chiều mát. Thức ăn cho cá dùng các loại tép, cá con và thức ăn chế biến gồm cá tạp hoặc phế phẩm ở cơ sở chế biến thủy sản như: đầu, đuôi, xương cá xay nhuyễn, sau đó trộn với bột tương, cám, men tiêu hóa, vitamin và muối khoáng thích hợp.
Cá còn nhỏ cho 3 lần/ngày, khi cá được 2 tháng tuổi cho ăn 2 lần/ngày, cá lớn cho ăn 1 lần/ngày cho tới khi xuất bán. Mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên, nên thịt cá chắc và ngon.
Mô hình nuôi cá lóc trong vèo ở ấp Mỹ Bình được nhiều nông dân tham quan học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi trên địa bàn xã, nhất là vào mùa nước nổi, vì thời điểm này, thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc, cá tạp nhiều, nông dân sử dụng vếnh để bắt làm thức ăn nuôi cá lóc, hạn chế chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Related news
Tháng 7 năm ngoái, sản phẩm ớt Thanh Bình (Đồng Tháp) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Ớt Thanh Bình”, đây được xem là bước đánh dấu cho sản phẩm này.
Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, ông Lê Mộng Bảo đã làm giàu trên chính mảnh đất Lộc Thành nhiều gian khó.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 503 cơ sở và hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký với hơn 340.000 cá thể, bao gồm các loài như: cá sấu, trăn, rắn, kỳ đà, rùa, nhím, nai, heo rừng, cầy hương, ba ba, tắc kè, chim trĩ...