Thành Ông Chủ Từ Vùng “Đất Chết”
Có những lúc tưởng chừng đang đi bên bờ vực thẳm, vậy mà cựu chiến binh Nguyễn Trung Thành đã vượt qua. Giờ đây anh là ông chủ của một trang trại rộng gần 6 mẫu với thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Theo tiếng gọi thiêng liêng
Nguyễn Trung Thành sinh năm 1951, quê ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh kể: “Tháng 1 năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng, tôi cùng lớp thanh niên của xã lên đường chống đế quốc Mỹ xâm lược”.
Sau những ngày tháng huấn luyện tại Trung đoàn Pháo binh 178, thuộc Quân khu 3, Nguyễn Trung Thành được điều động vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại đây, anh cùng đơn vị tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, góp phần bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Chính trong những cuộc đối đầu không cân sức ấy, anh đã bị thương, một vết thương vẫn còn dai dẳng đến tận bây giờ.
Ngày đất nước bình yên, năm 1976, Nguyễn Trung Thành rời quân ngũ, trở về địa phương sản xuất, anh ngày đêm trăn trở để tìm hướng thoát nghèo. Nhưng thời điểm bấy giờ, đói nghèo dường như là bức tranh chung của toàn xã hội, chứ đâu của riêng ai. Muốn vươn lên thoát nghèo e còn khó, nói chi đến chuyện làm giàu, đóng góp cho quê hương. Nghĩ vậy, đã có lúc anh buông xuôi, phó mặc cho số phận. Sau chuỗi ngày dài dằng dặc trong tuyệt vọng, anh quyết định khoác ba lô ra đi, mong sẽ tìm được sự đổi đời nào đó.
Suốt những tháng ngày lang thang ở khắp các miền quê, Thành nhận ra rằng, không đâu như quê hương anh cả. Quê anh tuy nghèo nhưng vẫn có thể nuôi anh lớn khôn, cho hạt thóc, củ khoai để thành người. Vậy là anh trở lại quê hương, quyết chí lập nghiệp, vươn lên làm giàu. Và anh chọn giải pháp đi làm thuê ở các trang trại để học cách chăm sóc từng gốc cây, con giống và từng quy trình vận hành trong các mô hình VAC của bà con lúc bấy giờ. Học không cốt lấy tiền, mà anh ấp ủ có ngày chính mình sẽ làm chủ một trong những trang trại ăm ắp cây trái sum suê.
Biến đá, sỏi… thành cơm
Thề rồi, thời cơ cũng đã đến. Năm 1999, trong một lần tình cờ, anh gặp ông Bí thư Đảng ủy thôn - lúc ấy đang làm chủ trang trại lớn nhưng thường xuyên thất bát. Ông ngỏ ý: “Chú có làm được không, anh nhượng lại cho?”- “Dạ, em làm được”- anh Thành quả quyết. Rồi từ cuộc gặp gỡ đó, anh về nhà vận động vợ con, gia đình, bè bạn, hàng xóm và thế chấp căn nhà cho ngân hàng được 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại.
Nhớ lại quang cảnh mười mấy năm về trước, anh Thành bảo, cậu không thể tưởng tượng nổi khi mình mới vào đây đâu. Than ôi! Nó khác xa hoàn toàn với khung cảnh cậu nhìn thấy hôm nay. Mình nhớ, bấy giờ nơi đây là vùng “đất chết”, sỏi đá, gạch ngói lởm chởm, ao tù nước đọng, cỏ voi cao ngập đầu người. Anh lao vào làm, hăng say, quên ăn quên ngủ. Từ việc đóng cọc kè xung quanh mép ao cho đến việc đẵn từng chiếc cọc tre nhỏ, đều một tay anh. Có hôm vì làm việc quá sức, anh ngất xỉu, nhưng khi hồi phục anh lại hăm hở lao vào việc như không biết mệt.
Có những lúc tưởng như mình và trang trại đang bước chông chênh bên bờ vực thẳm. Chỉ cần chao đảo một chút là cuộc đời và sự nghiệp đổ sụp. Vậy mà, không ngờ, anh đã vượt qua. Đó là năm 2006 mưa đá, trái cây rụng nhiều, thất thu. Năm 2007 rét đậm khiến cá dưới ao chết hàng loạt. Đặc biệt, năm 2008, trận mưa lịch sử có một không hai trên miền Bắc đã “cuốn phăng” gần như toàn bộ gia sản của gia đình anh. Năm 2009, anh tiếp tục vay vốn, xây dựng lại cống tiêu nên nợ nần chồng chất.
Chị Đào Thị Loạt - vợ anh Thành nghẹn ngào: “Chú không thể hình dung nổi gia đình chúng tôi đã đánh vật với cái trang trại này như thế nào đâu. Dạo đó, khi anh Thành đặt vấn đề cải tạo hoang hóa, gia đình gàn mãi. Nhưng anh không nghe, anh bảo nếu mình không làm trước rồi cũng sẽ có người khác họ làm. Chi bằng mình đi tiên phong, dù khó khăn một chút nhưng đổi lại sẽ giúp bà con nhận thấy quê mình có tiềm năng kinh tế. Bây giờ, sau bao nhiêu năm nhìn lại, ngắm nhìn cây trái, từng tấn cá cất lên mà vợ chồng tôi chỉ biết cảm ơn trời phật” .
Chi hội trưởng tâm huyết
Anh Thành dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại rộng 6 mẫu, trong đó có 4 mẫu ao, ở đó anh nuôi đủ các loại cá chép, mè, trắm, trôi, trê phi… cho năng suất cao. Trên bờ là ngút ngàn ổi, na, cam, quýt…chen chân nhau phát triển. Phía khu bên, anh cho xây dựng 3 dãy chuồng với gần 1.000 con lợn, mỗi năm xuất đi hàng trăm tấn cho các thị trường. Vào chính vụ, số lao động làm việc tại trang trại nhà anh lên đến hơn 10 người, với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Năm 2011 thu nhập của gia đình anh đạt gần 500 triệu đồng.
Bận bịu với công việc trang trại là thế, song anh Thành vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng phong trào đoàn thể tại địa phương. Hiện anh đang là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Phi Liệt, với 40 hội viên, hoạt động rất tích cực và có hiệu quả.
Theo anh Thành, phương châm hoạt động chính của hội là hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. Kế đó sẽ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giúp mọi người học tập và noi theo. Hội còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, neo đơn và cấp vốn cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình.
Ông Phạm Hồng Tín - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liên Nghĩa đánh giá: “Anh Thành với những phẩm chất sẵn có của người lính Cụ Hồ đã chiến thắng cái đói, cái nghèo nơi miền quê lam lũ. Là người cựu chiến binh xuất sắc, giàu nghị lực, khát vọng sống và cầu tiến, vì thế anh đã không ngừng tiên phong làm kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đổi mới từng ngày. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Khi đất nước có nguy nan thì chắc tay súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngừng tiếng súng thì chắc tay cuốc, tay cày kiến thiết quê hương giàu mạnh”.
Có thể bạn quan tâm
Tích lũy kinh nghiệm bằng thâm niên nuôi vịt chạy đồng rồi sang nuôi vịt thịt, nuôi vịt sinh sản nhốt tại chỗ, ông Võ Văn Vân ở ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã chuyển sang nuôi vịt giống theo hướng an toàn sinh học và mở thêm lò ấp trứng.
"Nhờ những trợ giúp tích cực của Hội ND, chúng tôi có thêm cơ hội làm ăn tốt hơn, hiểu biết cuộc sống hơn" - ông Lường Văn Hặc, bản Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, Sơn La, tâm sự.
Tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra từ nhiều năm qua và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp phòng, chống hiệu quả.