Nuôi Gà Tiên Yên Ở Hoành Mô (Quảng Ninh)
Đời sống kinh tế - xã hội của xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh) trong những năm gần đây đã có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm (năm 2011 là 25,28%, đầu năm 2012 là 22,18%, phấn đấu năm 2013 còn khoảng 18%). Mặc dù hiện tại, gần 80% số hộ gia đình ở Hoành Mô có mức sống từ trung bình trở lên nhưng công tác giảm nghèo vẫn luôn được xã chú trọng, coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã đưa nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả vào sản xuất. Trong đó mô hình nuôi gà Tiên Yên của ông Phan Ngọc Sinh, thôn Đông Thành, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình.
Trước đây, nhiều hộ ở Hoành Mô cũng đã nuôi thỏ, gà sao và đều làm ăn không có lãi, vì thỏ không hợp khí hậu khắc nghiệt vùng biên cương này rồi sinh bệnh, gà sao thì không tiêu thụ được vì giá đầu tư quá đắt khó bán ở xã, do thu nhập của đa phần người dân còn thấp. Điều nữa là do đường QL18C Tiên Yên - Hoành Mô đến nay đi lại vẫn rất khó khăn, đã không thu hút được các lái buôn ở nơi khác đến xã mua sản phẩm. Vậy làm thế nào để tìm được loại vật nuôi vừa phù hợp khí hậu lại vừa dễ tiêu thụ ở Hoành Mô, ông Sinh đã mất nhiều công tìm hiểu. Ông thấy người dân Tiên Yên phát triển và tiêu thụ rất tốt sản phẩm gà Tiên Yên, thậm chí những dịp lễ, tết không có gà để bán. Ông nghĩ: “Khí hậu và địa hình Tiên Yên với Bình Liêu đâu có khác nhau là mấy, vậy cớ sao ta không phát triển luôn mô hình gà Tiên Yên trên đất Hoành Mô”. Nghĩ là ông làm, mặc dù đã bước vào tuổi 60, lại sống ở vùng khó khăn, ông Sinh vẫn lần mò đi các nơi tìm mua sách hướng dẫn chăn nuôi gia cầm, rồi lại học cách sử dụng mạng Internet để tra cứu thêm kỹ thuật chăn nuôi gà ở đó.
Có kiến thức trong đầu, ông đến xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) để mua con giống gà Tiên Yên mang về nuôi xen lẫn với gia cầm khác, ban đầu là một ít để chúng quen chuồng không đánh nhau. Sau ông nuôi nhiều dần lên, ông lại học cách ấp trứng để có gà con nuôi gối vụ. Bây giờ, riêng gà Tiên Yên trong trại nhà ông lúc nào cũng có hàng trăm con. Ông Sinh có sáng kiến làm chuồng gà trên ao thả cá để tận dụng thức ăn rơi vãi cho cá, lại thoáng mát dễ quét dọn. Ban đầu do nhiều người chưa biết để tìm đến nhà ông mua gà, ông tự mang gà ra chợ Hoành Mô ngồi bán.
Bây giờ ông không phải mất công như thế vì đã có khách quen ở nhiều nơi, thậm chí có lái buôn tận Vân Đồn cũng thường tìm đến ông mua vài tạ gà liền một lúc. Qua 4 năm nuôi gà Tiên Yên, ông Sinh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, ông cho hay: “Giống gia cầm này rất phù hợp với Hoành Mô, vì xã có nhiều nguồn thức ăn tự nhiên từ các thửa ruộng bậc thang, vào mùa gặt hái thóc rơi vãi nhiều, lại thêm sông suối ao hồ ở Hoành Mô cũng sản sinh ra nhiều loại côn trùng làm thức ăn cho gà rất tốt. Gà Tiên Yên là sản phẩm được nhiều người dân ở xã lựa chọn vì thịt ngon, gà lại nhỏ hợp với túi tiền của nhiều người. Ở xã cũng có người nuôi gà Tam Hoàng con to hơn, nặng trung bình 3 - 4 kg/con nhưng rất ít người mua vì to quá, giống gà này thịt lại không ngon”.
Tuy thế, hiện nay Hoành Mô cũng mới chỉ có 3 hộ nuôi gà Tiên Yên theo hướng phát triển hàng hoá, một phần do họ lo ngại giao thông Bình Liêu - Tiên Yên đi lại còn khó khăn, không thu hút được các lái buôn ở nơi khác vào xã mua hàng. Đồng chí Giáp Thị Viền, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô cho biết: “Mô hình phát triển gà Tiên Yên rất phù hợp với công tác xoá nghèo trên đất Hoành Mô, vì người nhiều vốn, người ít vốn đều có thể làm được. Hiện nay chúng tôi cũng đang vận động bà con tích cực tham gia mô hình này, khi nhiều người cùng làm thì sẽ trở thành địa chỉ thu hút khách hàng tìm đến thu mua loài gia cầm thịt ngon nổi tiếng này”.
Có thể bạn quan tâm
Cam sành là một trong những cây ăn trái chủ lực, thế mạnh của huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Do lợi nhuận khá cao từ cây cam sành, các hộ nông dân đã ồ ạt trồng cây cam sành. Việc phát triển cây cam sành một cách tự phát, sử dụng những giống cây trôi nổi, không theo quy hoạch đã làm cho dịch bệnh tràn lan, có nguy cơ sẽ xóa sổ cây cam sành trong vài năm tới. Do đó các ngành nông nghiệp tỉnh cùng các nhà khoa học và nông dân đang tìm giải pháp để khôi phục và phát triển cây cam sành.
Tính đến ngày 15/4 đã có hơn 40 ngàn hecta nhiễm, trong đó có 17 ngàn hecta nhiễm nặng, khoảng 43 ngàn ha cần được phun thuốc phòng trừ. Các địa phương bị nặng nhất là Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu xuất hiện trên những ruộng cấy sớm, phát triển xanh tốt.
Về vùng nuôi tôm Công Lương, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) vào những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi được biết vấn đề thời sự của người dân ở đây là nạn dịch tôm đang hoành hành. Trước đây, vùng nuôi tôm Công Lương chưa bao giờ bị dịch bệnh vì cơ sở hạ tầng nuôi tôm nơi đây được Nhà nước đầu tư khá tốt, tính cộng đồng trong nuôi tôm cũng được người nuôi thực hiện chu đáo.