Thanh Long Đức Mỹ Đi Mỹ
Đầu năm mới, nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) phấn khởi vì lần đầu tiên sản phẩm cây ăn trái địa phương được xuất khẩu sang tận Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Thân, người dân địa phương quen gọi Mười Thân, Tổ trưởng hợp tác thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về vùng đất mới này phấn chấn thổ lộ: Sau khi xuất bán chào hàng thành công 900 kg trái thanh long ruột đỏ, ngày 2-2-2013 vừa qua, lô hàng thứ hai gần 1 tấn thanh long ruột đỏ đã chính thức được xuất khẩu sang Mỹ thông qua Công ty NiNa Hoàng (TPHCM), trong tổng số 4 tấn đã ký hợp đồng.
Tuy chỉ mới xuất khẩu sang Mỹ gần 2 tấn trái theo đơn đặt hàng của đối tác, thu về khoảng 22.000 USD nhưng nông dân rất mừng. Mừng vì sản phẩm của nhà vườn đã vươn ra “biển lớn”, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Theo ông Mười Thân, năm 2009, ông lặn lội lên tận Long An, Tiền Giang, Viện Cây ăn quả miền Nam để tìm mua cho được giống Thanh long ruột đỏ về trồng. Ngày đưa giống cây mới này về Đức Mỹ nhiều người nói ông “liều mạng” làm càn. Nhờ Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao kỹ thuật thâm canh, với diện tích gần 3 ha, ông Mười Thân đầu tư hơn 200 triệu đồng trồng 3.000 gốc thanh long. Chỉ mới 4 năm trồng, hiệu quả từ thu hoạch trái và bán giống ông đã thu được nguồn vốn đầu tư ban đầu 200 triệu đồng. Hiện nay thu nhập bình quân từ 3 ha thanh long hơn 150 triệu đồng/năm. Giá thanh long ruột đỏ hiện nay nhà vườn bán ra từ 20.000đ - 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Hiệu quả kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ đã khẳng định hướng làm giàu cho nông dân Trà Vinh nói chung, Đức Mỹ nói riêng. Vấn đề còn lại là tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng. Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của Trà Vinh khoảng 60 ha; khoảng 60% diện tích đang cho trái; năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn trái/ha. Để nâng cao hiệu quả về giá trị kinh tế trái thanh long ruột đỏ, Hội Làm vườn tỉnh đang xúc tiến chuyển đổi mô hình Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ Đức Mỹ (huyện Càng Long) lên HTX và xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa về trái thanh long ruột đỏ. Đồng thời triển khai chương trình sản xuất an toàn tiêu chuẩn Global Gap cho các hộ trồng thanh long ruột đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay với ngành chăn nuôi gia cầm, bệnh diễn biến phức tạp, thường ở thể quá cấp và cấp tính gây chết nhanh chóng, hàng loạt khi nhiễm phải làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.
Viện Nghiên cứu Rau quả vừa gửi đến NNVN báo cáo "Kết quả khảo sát ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến khả năng ra hoa đậu quả của nhãn, vải ở các tỉnh miền Bắc", đồng thời đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm khuyến cáo bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.