Tạo Thương Hiệu Tôm “Sạch” Để Vươn Xa
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc sở nn&ptnt, cho biết, để “gỡ rối” cho nghề nuôi tôm ở Cà Mau trong tình hình khó khăn như hiện nay, Sở đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang tính bền vững và đang phát huy hiệu quả.
Được triển khai gần 10 năm, dự án “nuôi tôm sinh thái” tại Lâm ngư trường 184 (nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển) do Đại sứ quán Thụy Sĩ làm chủ đầu tư đã mang lại kết quả khả quan và mở ra nhiều cơ hội cho cư dân sống dưới tán rừng.
Từ 140 hộ tham gia khi mới triển khai dự án với diện tích gần 600 ha, hiện nay đã có tới 1.200 hộ dân thuộc khu vực xã Tam Giang (huyện Năm Căn) và Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển) tham gia với tổng diện tích gần 5.000 ha, tăng gấp 8 lần so với ban đầu.
Bền vững từ nuôi tôm sinh thái
Ông Lê Trung Nghĩa, điều phối viên dự án, cho biết, trước xu hướng của thế giới đang ngày càng ưa chuộng những sản phẩm “sạch”, chất lượng, nuôi tôm theo loại hình này rất phù hợp với thị trường. Theo quy trình, con tôm hoàn toàn được nuôi trong điều kiện tự nhiên.
Những vuông tôm nằm dưới những tán rừng đước là môi trường lý tưởng. Mô hình này có thể bảo vệ được hệ sinh thái rừng và người nuôi tôm không những không phải lo đầu ra sản phẩm vì tất cả được Công ty Camimex thu mua với giá cao hơn 20% so với thị trường.
Anh Lư Minh Thảo (ấp Bông Súng, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) có hơn 7 năm tham gia mô hình, cho biết, mặc dù bước đầu năng suất chỉ đạt khoảng 350-450 kg/ha/năm, nhưng cái nông dân có được là sự bền vững vì năng suất thu hoạch ổn định. Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cũng được nâng lên.
Thực tế cho thấy, mô hình này giảm tối đa những rủi ro về dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay, góp phần ổn định rất lớn sản lượng tôm nguyên liệu Cà Mau cũng như giảm thấp nhất mức thiệt hại mà người nuôi tôm sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo Naturland (Cơ quan chứng nhận sản phẩm sinh thái quốc tế - Đức), sản phẩm tôm sạch phải đạt 15 tiêu chí. Ngoài việc hộ nuôi phải xây dựng “nhật ký nuôi tôm sinh thái” gắt gao theo yêu cầu từ phía đối tác, thì tiêu chí không được sử dụng hoá chất, kháng sinh và bảo đảm sinh thái rừng (theo tỷ lệ 50% rừng - 50% diện tích nuôi tôm) được đặt lên hàng đầu.
Cái lợi của việc thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái là đầu tư kinh phí ít, dễ thực hiện. Vừa thu nhập cao, ổn định, con giống lại được kiểm định chất lượng nên người dân rất an tâm thực hiện.
Đột phá với nuôi quảng canh cải tiến
Nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) cũng được xem là một trong những mô hình hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho rằng, trước những rủi ro của dịch bệnh, biến động của thời tiết thì nuôi tôm QCCT là hình thức đang được nhiều người dân quan tâm. Bởi lẽ nó không những là mô hình “ăn chắc mặc bền”, giảm chi phí, ít rủi ro mà còn nâng cao năng suất.
Hơn 4 năm qua, mô hình này từng bước khẳng định tính bền vững. Từ diện tích chỉ hơn 1.000 ha, nay tăng lên trên 20.000 ha. Trong đó, dẫn đầu là huyện Đầm Dơi, Cái Nước... Các địa phương này tổ chức nhiều hội thảo điển hình rút kinh nghiệm từng năm, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tại hiện trường để người dân nắm bắt kinh nghiệm, kịp thời xử lý những rủi ro, nâng năng suất từ 250 kg/ha/năm lên đến 600-800 kg/ha/năm.
Anh Võ Văn Quân (ấp Mỹ Điền, xã Đông Thới, huyện Cái Nước) là một trong những hộ nuôi tôm QCCT đạt hiệu quả cao, khẳng định: “Cái lợi lớn nhất mà mô hình mang lại cho nông dân chính là làm thay đổi thói quen, tập quán canh tác. Trước đây, làm ăn theo kiểu “5 ăn, 5 thua”, cứ thả tôm xuống vuông rồi phó mặc cho trời”.
Trong khi tình hình sản xuất thuỷ sản đang gặp khó khăn thì mô hình nuôi tôm QCCT được xem như “chiếc phao” để người nuôi tôm duy trì, phát triển sản xuất.
Kỹ sư thuỷ sản Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh: “Để từng bước tháo gỡ khó khăn, đem lại sự ổn định, bền vững cho nghề nuôi tôm, Sở đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm QCCT lên trên 30.000 ha trong năm 2013.
Đồng thời giữ diện tích tôm sinh thái (tôm - rừng) nhưng tăng cường ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất. Xúc tiến phối hợp các tổ chức quốc tế để được chứng nhận tôm sinh thái, tăng lợi nhuận, phát triển nghề nuôi tôm bền vững hơn”.
Để đạt mục tiêu trên, điều quan trọng là Cà Mau phải biết nắm bắt cơ hội, tạo dựng thương hiệu cho con tôm “sạch” để nó có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Đang giữa mùa thu hoạch rộ, giữa những cánh đồng lạc xã Hoá Phúc (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi gặp nhiều người nông dân với niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt.
Số điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể, từ 79 điểm vào thời điểm đầu tháng 4 còn 48 điểm tính đến tháng 6.
Cục trồng trọt vừa đề ra giải pháp rải vụ trên 5 loại cây ăn trái, kỳ vọng giải quyết được tình trạng cung vượt cầu vào chính vụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, giải pháp này chưa chắc mang lại hiệu quả. Ngay cả địa phương được phân công làm nhóm trưởng cũng lo nông dân... không nghe theo.