Tạo Bước Đột Phá Để Nông Nghiệp, Nông Thôn Phát Triển Bền Vững
Trong những năm qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ổn định và phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã có những chuyển biến, đời sống nông dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Nông dân đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tạo bước đột phá để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Nông dân thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) thu hoạch lúa mùa.
ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT HÀNG HOÁ...
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hoá hiệu quả và ít rủi ro nhất là đầu tư sản xuất trên cơ sở khai thác các lợi thế tuyệt đối của các điều kiện tự nhiên và xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta chưa khai thác tiềm năng hợp lý nên hiệu quả sản xuất còn thấp, như: Các vùng đất ở Phja Đén (Nguyên Bình), Lục Khu (Hà Quảng), Yên Sơn (Thông Nông) và huyện Trà Lĩnh, trước đây người dân chỉ trồng ngô, đỗ tương, năm nào thời tiết thuận lợi thu nhập chỉ đạt 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu Trà Lĩnh trồng một vụ cây lương thực để đảm bảo an ninh lương thực và một vụ khoai tây, thì riêng vụ khoai tây đã bằng cả năm trồng cây lương thực.
Trên Phja Đén trồng lúa, ngô thời gian sinh trưởng rất dài, năng suất thấp, chuyển sang trồng các loại cây dược liệu, chè chất lượng cao, hoa..., sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Đối với những khu vực có lợi thế cấy lúa như Hoà An, nam Hà Quảng nên bố trí một vụ lúa vào một thời vụ thích hợp nhất để luân canh cây trồng cạn, như: thuốc lá, khoai tây, ớt. Những khu vực đất quá dốc, không chủ động nước tưới tiêu, năng suất thấp, nên chuyển sang trồng các loại cây đạt hiệu quả cao hơn...
Để triển khai hiệu quả phải ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, việc này cần huy động nguồn tài chính lớn, ít hộ nông dân có khả năng thực hiện, tỉnh nên có cơ chế chính sách để các doanh nghiệp đầu tư làm hạt nhân (xây dựng mô hình, hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật, hình thành cơ sở chế biến công nghiệp thu mua nguyên liệu), nông dân là “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất quan trọng theo hướng sản xuất hàng hoá. Đến hết năm 2011, vùng thuốc lá trên 3.000 ha, sản lượng thu mua gần 6.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 80 triệu đồng/năm.
Mía nguyên liệu 2.429 ha, mía hàng hoá xuất khẩu (huyện Hạ Lang) 862 ha , sản lượng 51.720 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Lạc 1.756 ha, sản lượng 2.698 tấn; lạc giống (L14, L23) 316 ha, sản lượng thu mua gần 552 tấn, cung ứng cho các tỉnh. Trúc sào 3.200 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu cây. Hồi 5.000 ha, sản lượng hoa hồi 2.300 tấn/năm.
Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo, đồng chí Hoàng Thái, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước hết, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh giữ vững, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tăng khối lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hoá đang có, như: thuốc lá, mía, trúc sào, hồi, lạc hè thu, bò Mông... Khôi phục lại các sản phẩm đặc thù: đỗ tương, quýt Hà Trì, cam Trưng Vương (Hoà An), quýt Quang Hán (Trà Lĩnh), lê Đông Khê (Thạch An, Bảo Lạc).
Khai thác lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh của các tiểu vùng khí hậu đặc thù để sản xuất giống cây trồng cung cấp cho các vùng sản xuất của các tỉnh đồng bằng. ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, tăng nhanh hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế rừng, khuyến khích các nhà đầu tư chế biến gỗ, nhanh chóng hình thành thị trường gỗ Cao Bằng.
HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền thực hiện hiệu quả các chương trình: Xoá nhà tạm cho hộ nghèo, 135 giai đoạn II, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 5 triệu ha rừng, kiên cố hoá kênh mương, nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: điện, đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, trụ sở, công trình phúc lợi công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/10/2011 về lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; UBND tỉnh đã chỉ đạo 13 huyện, thị thực hiện quy hoạch xây dựng NTM và xây dựng đề án của các huyện, thị đến năm 2020.
Qua một năm triển khai thực hiện, 13/13 huyện, thị đã thành lập xong Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM. 66 xã được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch và lập Đề án đã kiện toàn xong ban chỉ đạo, ban quản lý và ban phát triển thôn. Một số huyện đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động về xây dựng NTM. Trong năm 2011, trên cơ sở nguồn vốn Trung ương giao, tỉnh giao nhiệm vụ quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới cho 66 xã.
Hiện nay các huyện đã tổ chức thẩm định và phê duyệt xong; đầu tư cho 3 xã điểm chỉ đạo của tỉnh (Nam Tuấn, Hoà An; Phong Châu, Trùng Khánh; Minh Tâm, Nguyên Bình) mỗi xã 1,2 tỷ đồng, để hỗ trợ công trình thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt và đã hỗ trợ các xã chỉ đạo điểm của 13 huyện, thị, mỗi xã 2 bộ máy làm đất trị giá 90 triệu đồng/xã; để làm cơ sở hình thành tổ hợp tác về dịch vụ nông nghiệp... Phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Cùng với sự đầu tư tập trung của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thời gian tới diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta sẽ ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển cong nghiệp, dịch vụ thương mại nông thôn; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Related news
Hơn 3 tuần qua, dưa hấu tại Tiền Giang đã mất giá tới 7.000 - 8.000 đồng/kg, từ mức khá cao là 11.000 - 12.000 đồng/kg xuống 4.000 - 5.000 đồng/kg. Người trồng dưa vô cùng lo lắng vì khó tiêu thụ và đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Theo Sở NN - PTNT tỉnh Bình Định, hiện các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên 1.560 ha mặt nước, chiếm 71% diện tích hiện có, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, môi trường nuôi bị ô nhiễm, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức nên nhiều vùng nuôi tôm đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.