"Bí Kíp" Xây Dựng Vùng An Toàn Dịch Bệnh
Anh Trần Thanh Tùng, chủ hai trang trại chăn nuôi heo tại Hóc Môn, TP HCM khẳng định, từ khi tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh do Chi cục Thú y TP HCM phát động, cả hai trại heo đã miễn nhiễm với hầu hết dịch bệnh nguy hiểm như LMLM, tai xanh, dịch tả… Với phương thức chăn nuôi bán công nghiệp, khép kín từ khâu nuôi heo nọc và heo nái ông bà (được nhập từ Mỹ, Canada) để SX ra heo nái hậu bị, bố mẹ, heo con giống và heo thịt thương phẩm, anh Tùng đã sớm có ý thức chăn nuôi khoa học, đặt an toàn dịch bệnh lên hàng đầu để đảm bảo đồng vốn của mình không “bốc hơi” vì dịch bệnh.
Anh Tùng cho biết, đầu năm 2009, anh đăng ký tham gia xây dựng an toàn dịch bệnh cho trại Bùi Môn (ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, tổng đàn 400 con trong đó có 150 heo nái ông bà) và thực hiện nghiêm túc tất cả yêu cầu khắt khe do chương trình đề ra. Cụ thể, trại heo Bùi Môn thực hiện nghiêm việc sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần, sát trùng các xe ra vào trại, khách tham quan. Thực hiện quy tắc chăn nuôi cùng vào, cùng ra và có thời gian nghỉ chuồng để tiêu độc sát trùng.
Công nhân phải thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh cá nhân và đi vào hố sát trùng ở các đầu dãy chuồng. Định kỳ xét nghiệm nước, nguồn thức ăn gia súc và xử lý tốt nước thải. Đối với tiêm phòng vacxin, trại đảm bảo 100% heo tiêm đầy đủ theo lứa tuổi với các bệnh LMLM, dịch tả, Mycoplasma, Parvo, Aujeszky… Với cách làm bài bản này, năm 2010 Cục Thú y đã công nhận trại Bùi Môn là cơ sở an toàn dịch bệnh. Từ thành công trên, anh Tùng đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh cho trại Nhị Tân (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, tổng đàn gần 6.000 con trong đó có trên 500 heo nái sinh sản) và đến đầu năm 2012 tiếp tục được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận an toàn.
Hiện 2 trại heo của anh Tùng là thành viên của HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (thành lập năm 2007). Đây là mô hình HTX chăn nuôi heo đầu tiên trên địa bàn TP HCM. Hiện HTX có 12 thành viên ở Củ Chi, Hóc Môn và đã triển khai xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong toàn HTX với quy mô 3.500 con heo nái sinh sản và 40.000 con heo thịt. Hàng tháng, riêng HTX cung cấp cho thị trường bình quân 4.000 con heo tương đương với 400 tấn thịt.
+ Cục Thú y vừa công nhận thêm 10 cơ sở chăn nuôi heo tại TP HCM đạt an toàn dịch bệnh, gồm: Cơ sở chăn nuôi Dương Văn Thừa, Lê Thanh Luyến, Nguyễn Quang Trực, Phạm Thế Tâm, Vũ Văn Xoan (Củ Chi); Trần Thanh Tùng (Hóc Môn); Ngô Minh Trung (Bình Chánh); Xí nghiệp heo giống cấp I (Thủ Đức); Đặng Chiêu Nhỏ (Nhà Bè); Cơ sở chăn nuôi dê An Phú thuộc Cty Bò sữa TP HCM.
Ngoài ra, Cục Thú y cũng tái công nhận 3 cơ sở chăn nuôi gà tại TPHCM đạt an toàn dịch bệnh, gồm: Cơ sở chăn nuôi Trần Thị Quang (Củ Chi), Nguyễn Thị Lạc (Hóc Môn) và cơ sở chăn nuôi gà Củ Chi 1.
+ Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, dự kiến vào tháng 4/2012, Cục Thú y sẽ tổ chức tái công nhận 5 cơ sở chăn nuôi bò sữa và 20 cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 9, quận 12 của TP HCM.
Trại heo của anh Tùng chỉ là một trong hàng chục trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại TP HCM đã tạo được “bức tường lửa” chống dịch bệnh xâm nhập và được ghi nhận đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ “bí kíp” xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Theo ông Trương Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, đơn cử như trong năm 2011, mặc dù tình hình dịch cúm gia cầm, LMLM, đặc biệt là tai xanh tại các tỉnh giáp ranh như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang… diễn biến phức tạp, tuy nhiên TP HCM tiếp tục đảm bảo không xảy ra dịch bệnh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, góp phần phát triển KT- XH và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện công tác duy trì và nhân rộng các mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh được sự quan tâm ủng hộ của người chăn nuôi và chính quyền địa phương. Việc thẩm định các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được lồng ghép với việc đánh giá thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), từ đó định hướng cho các hộ chăn nuôi đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ KHKT, đảm bảo an toàn sinh học, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.
Chi cục Thú y TPHCM cũng cho rằng, việc hình thành vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đã giúp ngành thú y chủ động triển khai chương trình giám sát nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Việc “đi trước đón đầu” đóng vai trò quan trọng để cảnh báo, dự đoán khả năng, mức độ nguy hiểm của các loại bệnh dịch, từ đó khuyến cáo và bắt tay cùng các cơ sở chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp “dập dịch ngay từ trong trứng nước”.
Related news
Khoảng hai năm trở lại đây, nhiều loại bệnh xuất hiện đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn huyện Vĩnh Linh đã có gần 700/810 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, trong đó đã có nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng.
Mọi năm vào thời điểm này, các xã vùng chuyên canh cây cà phê của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) như Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Linh, Ba Tầng “sôi” lên bởi chuyện mở rộng diện tích trồng mới hoặc tái canh cây cà phê. Người dân sở tại, người ở các nơi tìm về mua đất, thuê đất trồng cà phê với hy vọng đổi đời. Giá đất ở “thủ phủ cà phê” Hướng Phùng không dưới 150 triệu đồng/ha, có lúc “sốt đất” giá lên cao chót vót, từ 250 đến 300 triệu đồng/ha nhưng nhiều người vẫn đổ tiền của vào đầu tư phát triển cây cà phê, vì khi đó giá lên cao, chỉ sau một vài vụ là đã thu hồi vốn. Nhưng năm nay, khi mùa vụ trồng mới đang đến gần, hơn 2.500 ha cây cà phê toàn huyện già cỗi cần phải tái canh nhưng không khí làng bản vẫn nhuốm một màu ảm đạm.
Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.