Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cá tra đạt kế hoạch năm 2013, ngành thủy sản đang tập trung vào khâu trọng yếu nhất- sản xuất giống.
Khó trăm bề
Theo báo cáo của các tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi 4.314ha cá tra, diện tích thu hoạch 2.116ha, sản lượng đạt 545.718 tấn, năng suất trung bình đạt 260 tấn/ha. Nếu so với năm 2012, sản lượng cá giống tăng 13,3%; diện tích nuôi giảm 4,1%; sản lượng cá thu hoạch tăng 2,3%.
Ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện đang gặp vô vàn khó khăn bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục. So với đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 300-500 đồng/kg, thuốc thú y tăng 10%, khiến giá thành cá tra nguyên liệu bị đẩy lên cao, từ 20.000 - 24.500 đồng/kg.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1149 về thực hiện hỗ trợ cho vay nuôi cá tra, song bà con ở nhiều nơi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này, một số vùng có vay được thì dư nợ cũng rất thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế cho vay từ 15.8.2012 đến 30.4.2013 mới đạt 27.957 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay ngắn hạn.
“Ngoài những khó khăn kể trên thì ngành cá tra còn bị cản trở bởi khâu giống. Mặc dù lượng cá tra giống đã đáp ứng được nhu cầu thả nuôi (khoảng 2 tỷ con cá tra giống), nhưng chất lượng con giống ở một số cơ sở, vùng nuôi không đảm bảo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cá tra nuôi bị bệnh, hệ số tiêu tốn thức ăn cao” - ông Thể nói.
Triển khai Quy chế quản lý cá tra bố mẹ
Theo kế hoạch, năm 2013, diện tích thả nuôi cá tra các tỉnh ĐBSCL là 6.000ha, sản lượng 1,3 triệu tấn. Để đáp ứng đủ nhu cầu trên, toàn vùng cần 1,8 - 2 tỷ cá tra giống. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, vùng ĐBSCL có gần 200 trang trại sinh sản cá bột, với trên 4.000 hộ ương cá giống, diện tích hơn 2.250ha, tập trung nhiều ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang...
Tuy nhiên, do sản xuất và tiêu thụ cá tra gặp khó khăn nên con giống cũng không tiêu thụ được, nhiều vùng ương cá tra ở Cần Thơ, Đồng Tháp phải treo ao hoặc chuyển sang nuôi cá truyền thống. Điều đáng lo ngại là chất lượng con giống cũng rất thấp, do hầu hết các cơ sở sản xuất cá tra giống sử dụng cá bố mẹ chọn từ cá thịt, khiến con giống bị thoái hóa.
"Mặc dù lượng cá tra giống đã đáp ứng được nhu cầu thả nuôi, nhưng chất lượng con giống ở một số cơ sở, vùng nuôi không đảm bảo, khiến cá tra nuôi bị bệnh, hệ số tiêu tốn thức ăn cao”.Ông Dương Tiến Thể
Bộ NNPTNT cho biết, để đảm bảo chất lượng giống cá tra, từ năm 2001-2008, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Viện II) đã thực hiện Dự án “Chọn lọc cá tra nâng cao tốc độ tăng trưởng” với sự tài trợ của Dự án SUFA, và từ 2006-2008, Bộ NNPTNT cũng giao Viện II thực hiện Dự án “Chọn giống nâng cao tỷ lệ phi lê bằng phương pháp chọn lọc gia đình”.
Bằng nhiều nghiên cứu, Viện II đã nâng cao sức tăng trưởng của cá tra lên 18-20%, tỷ lệ phi lê lên 0,9%. Để đưa những thành quả nghiên cứu này vào sản xuất, Bộ NNPTNT đã giao Viện II triển khai Dự án “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL”. Theo đó, Viện II đã chuyển giao khoảng 110.000 con cá tra hậu bị cho một số cơ sở sản xuất giống.
Nhằm quản lý tốt số lượng cá bố mẹ có tính trạng tăng trưởng tốt đã chuyển giao cho các cơ sở, ngày 22.7, Tổng cục Thủy sản đã trình Bộ NNPTNT ký ban hành quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống, trong đó quy định rõ mục tiêu, nguyên tắc, trách nhiệm của các bên liên quan, điều khoản thi hành…
Related news
Tận dụng diện tích đất nhỏ hẹp (chỉ với 117 m2), anh Hồ Lâm Tuấn (khóm 1, phường 3, Tp. Vĩnh Long) đã đầu tư nuôi bồ câu Pháp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loài vật dễ nuôi, có thể chăn nuôi ngay tại thành thị để phát triển kinh tế gia đình.
Việc nuôi tôm không tuân thủ khung lịch mùa vụ và khuyến cáo kỹ thuật cộng với khó khăn trong kiểm soát dịch là những lý do khiến dịch bệnh trên tôm phức tạp ngay từ đầu vụ tại một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL.
Tuy không làm giàu nhanh nhưng việc tận dụng ao vườn để thả nuôi các loại thủy - hải sản cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Nhịn ở Ấp 8 (xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long) đã “sống được” với mô hình nuôi tôm càng xanh.