Prices / Tin nông nghiệp

Su su Tam Đảo sạch ra sao?

Su su Tam Đảo sạch ra sao?
Author: Trần Quang
Publish date: Monday. May 9th, 2016

Thị trấn Tam Đảo nằm trên độ cao 1000m so với mặt nước biển, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn nổi tiếng với sản phẩm rau su su - một sản vật đặc trưng từng được cung tiến dâng lên vua Hùng.

Theo anh Phạm Văn Thắng ở tổ dân phố số 2, thị trấn Tam Đảo, nhờ những lợi thế về tự nhiên đó mà rau su su Tam đảo mang những đặc trưng không một nơi nào có được. Bởi thế mà bao nhiêu năm nay rau su su được người dân nơi đây trồng ra không đủ bán, thu nhập cũng vì thế mà tăng lên liên tục, có nhiều hộ trở thành triệu phú.

Trao đổi với NTNN, ông Bàng Lương Hội – Chủ tịch Hội ND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Quyết định 1674 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch vùng rau an toàn giai đoạn 2012-2020, năm 2012, huyện Tam Đảo phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Sở NNPTNT tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất chuỗi su su an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tam Đảo đã thu hút 150 hộ tham gia, với diện tích 35ha. Bước đầu hình thành 3 nhóm quản lý cộng đồng trong việc sản xuất, kinh doanh và sơ chế. 

Ông Hội cho biết thêm, sản xuất su su an toàn theo VietGAP, năng suất, chất lượng ngọn, quả được bảo đảm. Mỗi hộ tham gia được cấp mã vạch riêng và phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, ngoài đội kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán, thực hiện gắn mã vạch của Chi cục, các hộ nông dân cũng thực hiện kiểm tra lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Nếu phát hiện hộ nào vi phạm về mã số, mã vạch sẽ xử lý, loại khỏi danh sách các hộ mang thương hiệu su su Tam Đảo.


Do được thiên nhiên ưu đãi quanh năm mát mẻ nên rau su su được người dân Tam Đảo trồng luôn luôn xanh tốt và phát triển nhanh.TL

Đến năm 2013, sản phẩm rau su su của thị trấn đã được chứng nhân VietGAP. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, Hội nông dân thị trấn Tam Đảo đã thành lập 3 điểm thu mua, sơ chế. Trung bình một ngày, mỗi điểm sẽ mua khoảng 50-100 tạ rau, quả rồi phân loại, đóng gói, gắn mã vạch, chuyển đến các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch tại địa phương và chuyển về tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng…

“Hiện, với diện tích hơn 35ha, sản lượng đạt 35 tấn/ha/năm nhưng chúng tôi vẫn không đủ để cung cấp phục vụ du lịch tại địa phương và nhu cầu của khách hàng một số tỉnh lân cận” – ông Hội chia sẻ.

Anh Phạm Văn Tỉnh, một chủ nhà hàng có tiếng ở thị trấn Tam Đảo cho biết, từ ngọn và quả su su, có thể chế biến ra một số món ăn có hương vị thơm ngon, quyến rũ.

“Ngắt từng đoạn rau, từ búp, ngọn ra mỗi đoạn dài độ bốn đốt ngón tay, có thể lấy thêm một số lá non vò cho mềm rồi rửa sạch, vớt ra rổ. Khi nước bắt đầu sôi, thả ngọn su su vào luộc như rau muống. Ngọn su su luộc chấm với nước ma-gi (nước tương) pha tỏi tươi đập nhỏ cho hương vị mát, thơm và có vị ngọt. Ngọn su su có thể xào với thịt bò hay lòng gà. Quả su su gọt vỏ, rửa cho hết nhựa rồi luộc trong nước có pha chút muối trắng tinh chế. Sau luộc, mang su su ra chấm với muối lạc, muối vừng, ăn thấy vị bùi, thơm và mát. Quả su su gọt vỏ, thái mỏng hay thái chỉ có thể xào với trứng gà, thịt bò hay lòng gà, ăn thấy vị béo, thơm và đậm’’ – anh Tỉnh chia sẻ.

Theo ông Hội, huyện đang đặt mục tiêu phát triển su su an toàn Tam Đảo thành một thương hiệu mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó, tập trung mở rộng diện tích trồng su su an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhập rau từ nơi khác về bày bán. Cùng với đó xây dựng mối liên kết giữa  “4 nhà”: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm.


Related news

Thơm mát sắn dây Nam Đàn Thơm mát sắn dây Nam Đàn

Hiện nay, ngoài việc tự trồng và nhân giống sắn dây, hầu hết các hộ trên địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An) đều tự chế biến tinh bột để phục vụ nhu cầu thị trường.

Monday. May 9th, 2016
Bán tháo cây thuốc quý cho Trung Quốc, giá 5kg chỉ bằng ổ bánh mì Bán tháo cây thuốc quý cho Trung Quốc, giá 5kg chỉ bằng ổ bánh mì

Nhiều cây thuốc quý đang bị người dân các tỉnh Tây Nguyên vào rừng khai thác để bán lại cho thương lái xuất sang Trung Quốc với giá rẻ mạt.

Monday. May 9th, 2016
Lãi 300 triệu đồng/năm từ những cây, con chịu hạn Lãi 300 triệu đồng/năm từ những cây, con chịu hạn

Dù là vùng đồi Cột Cờ, địa bàn giáp ranh giữa xã Quỳnh Châu và xã Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu khô cằn, thiếu nguồn nước, nhưng nhờ biết vận dụng đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây, con chịu hạn tốt nên mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Lài thu về hàng trăm triệu đồng từ mô hình đặc biệt này.

Monday. May 9th, 2016