Prices / Mô hình kinh tế

Sâu Đục Trái Tàn Phá Hàng Ngàn Ha Bưởi

Sâu Đục Trái Tàn Phá Hàng Ngàn Ha Bưởi
Author: 
Publish date: Wednesday. June 6th, 2012

Thời gian gần đây, nông dân trồng bưởi Năm roi, bưởi da xanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lao đao vì sâu đục trái hoành hành làm vườn bưởi bị thất thu.

Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã có khoảng 1.200ha bưởi Năm roi bị sâu đục trái phá hoại.

Ông Nguyễn Văn Tài ở xã Phú Hữu trồng 200 gốc bưởi cho biết: “Khi trái còn non đã xuất hiện sâu đục trên vỏ bưởi. Thấy vậy, tôi mua thuốc về xịt nhưng vẫn không hết mà sâu còn đục vào bên trong làm nước rỉ ra bến ngoài, rụng trái…”.

Hầu hết các xã như Phú Tân, Phú Hữu, thị trấn Mái Dầm, thị trấn Ngã Sáu, Đông Phước… đều có diện tích bưởi bị thiệt hại, nhà vườn đang đối mặt với nguy cơ trắng tay. Tại tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, nhà vườn cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong đó, xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) có 210ha bưởi thì diện tích sâu hại chiếm từ 30 - 40%.

Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang), tác nhân gây hại chủ yếu trên bưởi hiện tại là loài sâu đục trái có tên khoa học Cipestis sagittiferella moore, thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Sâu gây hại trong mọi giai đoạn, từ trái non đến trái chín. Vòng đời sâu hại từ 20-30 ngày. Trái bưởi bị sâu tấn công nhiều sẽ rụng sớm, nhẹ thì lâu rụng, nhưng khi sâu đục tới phần múi sẽ làm tổn hại bên trong ruột bưởi, đồng thời trái bưởi dễ bị bội nhiễm một số nấm bệnh gây hại khác.

Ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo bà con nông dân nên vệ sinh vườn cây ăn trái, hái những trái bưởi đã bị sâu tấn công và chôn sâu dưới lớp đất hoặc đốt bỏ trái. Đồng thời, sử dụng các loại thuốc phun ngừa sâu gây hại như Regent 800 WG, Fastac 5EC, Vitako 40 WG, Cyrux 25 EC...

Ông Trần Quang Hành - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành, cho biết: “Phòng NNPTNT đang cử cán bộ theo dõi sát diễn biến tình hình sâu gây hại trên bưởi cũng như nắm chính xác số hộ bị thiệt hại. Tại các địa bàn chuyên canh trồng bưởi sẽ tổ chức những lớp tập huấn, đồng thời cử cán bộ xuống tận các ấp có diện tích trồng bưởi ít để phát tờ bướm, hướng dẫn người dân nắm vững cách thức phòng ngừa nhằm hạn chế lây lan sâu bệnh”.

Ngoài ra, sau khi khống chế dịch bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng túi nylon để bao trái bưởi khi còn non. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để phun khi trái 1 tháng tuổi, sau đó 20 ngày sẽ phun tiếp để ngăn ngừa dịch sâu đục trái bưởi.

Related news

10 Bước Quản Lý Tốt Sức Khỏe Cho Tôm 10 Bước Quản Lý Tốt Sức Khỏe Cho Tôm

Nếu có, nên rắc thức ăn ra xa hơn và lấy lưới mắt nhỏ hoặc dùng tay để vớt tảo ở đáy ao hoặc tảo nổi trên mặt nước. Sau đó thay 15 – 20 cm nước rồi rải đều bột đá xuống ao theo mức từ 200 – 300 kg cho 1 ha ao.

Wednesday. June 6th, 2012
Nuôi Lợn Trên Nền Đệm Lót Sinh Học Nuôi Lợn Trên Nền Đệm Lót Sinh Học

Với ưu điểm “4 không”: không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho đàn lợn trong quá trình nuôi; phương pháp chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học trên địa bàn tỉnh ta đã mở ra hướng chăn nuôi mới theo hướng phát triển bền vững.

Wednesday. June 6th, 2012
Bấp Bênh Nghề Nuôi Thỏ Bấp Bênh Nghề Nuôi Thỏ

Trong những năm gần đây, tại Tây Ninh, nhiều người dân đổ xô mua thỏ về nuôi, kiếm thêm thu nhập. Thời điểm cách đây chừng 5 năm, thỏ có giá, nhiều gia đình có lãi lớn khi nuôi thỏ.

Wednesday. June 6th, 2012