Prices / Trồng lúa

Sản xuất lúa Nhật (Japonica) theo chuẩn VietGAP

Sản xuất lúa Nhật (Japonica) theo chuẩn VietGAP
Author: Thu Huyền
Publish date: Saturday. May 23rd, 2020

Năm 2020 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội làm mô hình 300 ha lúa Japonica chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn, chất lượng đồng thời gia tăng giá trị…

Cận cảnh bệnh đạo ôn.

Yêu cầu chung 

Lao động phải được tập huấn về VietGAP ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất đặc biệt là việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

Cần có kho chứa, dụng cụ chứa phân bón, thuốc BVTV, kho cần có khóa, dụng cụ chứa phải kín. Bao bì đựng sản phẩm, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải đáp ứng quy định của pháp luật.

Có quy trình sản xuất lúa Japonica phù hợp với điều kiện của từng địa phương và các yêu cầu của VietGAP trồng trọt.

Thực hiện ghi chép các nội dung theo quy định từ khâu ngâm, ủ, gieo mạ đến khi thu hoạch. Có quy định và thực hiện lưu trữ, kiểm soát tài liệu và hồ sơ, thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày thu hoạch để phục vụ việc kiểm tra nội bộ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản phẩm phải đáp ứng quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm tham chiếu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thông tư 50.

Lấy mẫu trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất, phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định.

Trường hợp phát hiện có chỉ tiêu vượt mức giới hạn tối đa cho phép phải điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiệu quả, lập thành văn bản và lưu hồ sơ. Có quy định xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Có quy định truy xuất nguồn gốc sản trong nội bộ cơ sở sản xuất. Sản phẩm sản xuất theo VietGAP trồng trọt phải được phân biệt với sản phẩm cùng loại không sản xuất theo VietGAP trong quá trình thu hoạch, sơ chế. Quy định truy xuất nguồn gốc phải được vận hành thử trước khi chính thức thực hiện và lưu hồ sơ.

Về điều kiện làm việc và vệ sinh cá nhân, đối với sản xuất lúa thì quan trọng nhất là bảo hộ lao động khi phun các loại thuốc BVTV. Bởi vậy cần có quy định về bảo hộ lao động, hướng dẫn sử dụng an toàn trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong quá trình sản xuất.

Bảo hộ lao động cần được vệ sinh sạch sẽ trước, sau khi sử dụng và để đúng nơi quy định, không để chung với nơi chứa thuốc BVTV, phân bón và các hóa chất khác.

Yêu cầu cụ thể

Về đánh giá, lựa chọn khu vực sản xuất cần phải chọn nơi phù hợp, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông, công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, bãi rác và các hoạt động khác.

Đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm về hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và các khu vực xung quanh.

Trường hợp xác định có mối nguy phải có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả hoặc không tiến hành sản xuất.

Khu sản xuất VietGAP của cơ sở có nhiều địa điểm phải có tên hoặc mã số cho từng địa điểm, cần phân biệt hoặc có biện pháp cách ly và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các khu trồng trọt không áp dụng lân cận.

Về quản lý đất, nước và vật tư đầu vào, trong sản xuất quan trọng nhất là canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, tránh gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đất.

Hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ, luân canh cây trồng cải tạo đất. Cần có biện pháp kiểm soát rò rỉ của thuốc BVTV và phân bón để tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Các hỗn hợp hóa chất và thuốc BVTV đã pha, trộn nhưng sử dụng không hết phải được xử lý đảm bảo không đổ xuống kênh mương, đất dễ gây ô nhiễm nguồn nước, đất cũng như nông sản.

Phải sử dụng giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, tốt nhất nên lựa chọn những loại có khả năng kháng sâu bệnh và sử dụng hạt giống, cây giống khỏe, sạch sâu bệnh để giảm sử dụng thuốc BVTV.

Sử dụng phân bón và chất bón bổ sung được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm thì phải ủ hoai mục trước khi bón. Bón phân theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa Japonica đã hướng dẫn, đúng, đủ liều lượng.

Với thuốc BVTV, cần áp dụng các biện pháp IPM, ICM để giảm thiểu lượng. Thuốc BVTV sử dụng phải nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tác 4 đúng hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhà sản xuất, mua tại các cửa hàng đủ điều kiện buôn bán. Khi sử dụng phải có biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc.

Thuốc đã pha, không dùng hết cần được thu gom và xử lý theo quy định về chất thải nguy hại. Bao bì chứa thuốc sau khi dùng xong phải được thu gom đúng nơi quy định để xử lý. Cần có danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng, trong đó bao gồm tên thương mại, hoạt chất, đối tượng cây trồng và dịch hại.

Cuối cùng là vấn đề thu hoạch bảo quản và vận chuyển. Thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV theo quy định hiện hành hoặc hướng dẫn nhà sản xuất. Nên thu hoạch vào thời điểm lúa chín đạt từ 85 – 90%, Phơi sấy về độ ẩm thích hợp cho bảo quản lúa, thủy phần khoảng 13%, tốt nhất không phơi trực tiếp trên nền bê tông dưới điều kiện ngoài trời nhiệt độ quá cao liên tục vì dễ bị gãy, đớn gạo.

Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ ô nhiễm sản phẩm, trường hợp nếu bắt buộc phải sử dụng các chất bảo quản thì chỉ sử dụng các chất được phép sử dụng theo quy định hiện hành. 


Related news

Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm mặn Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm mặn

Tại vùng đất nhiễm mặn của ĐBSCL canh tác lúa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những năm gần đây biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, vụ hè thu càng thêm khó.

Saturday. May 23rd, 2020
Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn Giải pháp canh tác thông minh trên đất nhiễm phèn

Cây lúa rất mẫn cảm với đất phèn. Vì vậy, khi trồng lúa trên nền đất phèn, nông dân phải có giải pháp canh tác thông minh trước khi xuống giống.

Saturday. May 23rd, 2020
Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch Kỹ thuật thu hoạch và phơi sấy lúa Japonica nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

Tổn thất sau thu hoạch của ngành lúa gạo khoảng 14% tương đương với hàng nghìn tỷ đồng bị mất mỗi năm, chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi và sơ chế, bảo quản

Saturday. May 23rd, 2020