Ruộng Lúa, Bờ Hoa Thân Thiện Môi Trường
Xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang là một trong 2 xã đầu tiên ứng dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa(RLBH). Trong giai đoạn thử nghiệm từ tháng 6/2009 đến tháng 7/2010 đã có 5 loại hoa được chọn trồng trên bờ ruộng ở mô hình. Đó là những loại hoa có màu sắc, hương thơm phù hợp, có nhiều mật, phấn hoa, dễ trồng, ít chăm sóc và có thể trổ hoa quanh năm, gồm: cúc gót, mè, đậu bắp, sao nhái và xuyến chi.
Kết quả thử nghiệm trong mấy năm qua cho thấy mật số các loài thiên địch chính của rầy nâu như nhện lớn bắt mồi, bọ xít mù xanh và ong ký sinh của rầy nâu ở khu mô hình luôn cao hơn so với khu ruộng đối chứng. Điều này đã làm cho rầy nâu ở các ruộng mô hình không có điều kiện bộc phát thành dịch.
Không những thế, mô hình RLBH ở Mỹ Thành Nam đã cho thấy những lợi ích thiết thực về mặt môi trường và kinh tế. Chẳng hạn, số lần sử dụng thuốc trừ sâu ở mô hình là 0,5 lần/vụ, thấp hơn so với trên ruộng đối chứng là 2,5 lần/vụ. Số lần phun thuốc trừ bệnh ở mô hình ở 3,7 lần/vụ, cũng thấp hơn so với ruộng đối chứng 4,6 lần/vụ. Như vậy, mô hình RLBH đã giảm được số lần sử dụng thuốc trừ sâu so với ruộng bình thường, qua đó giảm được ảnh hưởng xấu đối với môi trường.
Về mặt kinh tế, năng suất lúa ở mô hình RLBH tại Mỹ Thành Nam đạt bình quân 6,8 tấn/ha/vụ, chỉ kém 0,1 tấn/ha so với khu đối chứng. Trong khi đó, chi phí đầu tư ở ruộng mô hình là 8.201.700 đ/ha, ruộng đối chứng là 11.400.000 đ/ha. Giá thành 1 kg lúa ở ruộng mô hình là 1.200 đ/kg, ruộng đối chứng là 1.640 đ/kg. Giá bán lúa ở ruộng mô hình là 6.000 đ/kg, ruộng đối chứng là 4.525 đ/kg, do lúa ở mô hình được SX theo quy trình GlobalGAP và được các công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Doanh thu trên ruộng mô hình là 41 triệu đ/ha, lợi nhuận 32,82 triệu đ/ha. Còn ở ruộng đối chứng, doanh thu là 31,43 triệu đ/ha, lợi nhuận 20 triệu đ/ha. Như vậy có thể thấy sau mấy năm thử nghiệm, mô hình RLBH ở Mỹ Thành Nam đã cho thấy lợi ích rõ rệt từ phòng chống dịch bệnh đến bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.
Từ hiệu quả đó, Sở NN- PTNT Tiền Giang đã nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Từ năm 2010- 2011, đã có 16 mô hình RLBH được ứng dụng tại các huyện như Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Đông và Gò Công Tây. Mô hình có quy mô nhỏ nhất là 10 ha, lớn nhất là 30 ha. Tổng diện tích RLBH được thực hiện trong mấy năm qua là 600 ha. Mỗi ha PLBH nông dân Tiền Giang tiết kiệm được chi phí ở mức 1,9- 2,5 triệu đồng so với ruộng lúa thường.
GS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học BVTV Việt Nam: Bộ NN- PTNT cần có kết luận về mô hình RLBH, qua đó có chủ trương nhân rộng, phát triển mô hình này trong SX lúa ở nước ta.
TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư một chương trình quốc gia để đẩy mạnh việc ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái trong SX lúa.
Trong năm nay, Tiền Giang tiếp tục nhân rộng mô hình RLBH ra nhiều huyện, thị xã. Trong vụ đông xuân 2011- 2012, có 5 mô hình được thực hiện tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Đông và Gò Công Tây, mỗi mô hình có quy mô 20 ha. Trong vụ xuân hè, có 1 mô hình quy mô 50 ha ở huyện Cái Bè. Sang vụ hè thu, sẽ có tổng cộng 6 mô hình ở các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Châu Thành và thị xã Gò Công.
Trong đó, 4 mô hình có quy mô 50 ha và 2 mô hình có quy mô 20 ha. Như vậy, trong năm nay, diện tích RLBH của toàn tỉnh Tiền Giang là 390 ha. Sở dĩ tổng diện tích RLBH vẫn còn khiêm tốn như vậy là vì việc nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Theo anh Phúc, cán bộ Phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo, khi xây dựng mô hình ở huyện này, việc đi tìm giống các loại hoa để nhân ra tốn rất nhiều thời gian. Rồi lại phải qua mấy vụ để đánh giá xem những loại hoa nào có tác dụng nhất trong việc thu hút thiên địch để duy trì và nhân rộng.
Còn những loại hoa nào không thích hợp thì phải loại bỏ. Do phải mất nhiều thời gian công sức như vậy, nên việc nhân rộng mô hình ra quy mô rộng hơn, lớn hơn không thể làm trong ngày một ngày hai. TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cai Lậy cũng cho rằng nếu mở rộng ra quy mô lớn ngay từ bây giờ thì sẽ làm không nổi, mà phải mở từ từ, từng chút một. Dù vậy, từ Tiền Giang, mô hình RLBH đang dần lan ra các tỉnh trồng lúa khác ở ĐBSCL.
Related news
Do tình trạng các loại cây trồng được mùa mất giá, nên bà con nông dân ở xã Mỹ Lương (Cái Bè, Tiền Giang) đã trồng nhiều loại cây xen kẽ trong vườn nhằm "an toàn hóa thu nhập" khi có biến động về thời tiết, giá cả. Tiêu biểu có mô hình trồng chôm chôm xen xoài Đài Loan của anh Phạm Văn Lương ở ấp Lương Ngãi.
Mấy vụ gần đây, nông dân ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) chủ động chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, mang lại thu nhập hơn hẳn các loại rau màu khác.
Nông dân Võ Văn Quýt, 60 tuổi, nhà ở dưới chân sườn núi Cấm, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trồng trên 3.500 gốc xoài các loại. Mỗi năm, xoài cho ra trái 1 vụ chính, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài 4 tháng. Nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi của thiên nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Quýt xử lý xoài cho ra hoa, kết trái nghịch vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bán được giá, thu được lợi nhuận cao.