Phục Hồi Thương Hiệu Quế Trà My
Hội thảo khoa học về dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Trà My cho sản phẩm quế” vừa được Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam tổ chức đã mở ra hướng phục hồi thương hiệu cho sản phẩm từng được mệnh danh là “cao sơn ngọc quế” một thời.
Nhiều thách thức
Sở KH-CN đã xây dựng CDĐL Trà My cho sản phẩm quế của vùng, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Đó là cơ sở để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm quế Trà My trên thị trường. Ông Phạm Viết Tích - Phó Giám đốc Sở KH-CN, chủ nhiệm dự án “Quản lý và phát triển CDĐL Trà My cho sản phẩm quế” cho biết, giai đoạn 1, dự án đã hoàn thành việc đăng ký bảo hộ CDĐL Trà My cho sản phẩm quế và CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam. Sắp tới, sở sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài nhằm phục hồi, phát triển danh tiếng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2 của dự án nhằm hướng tới triển khai những nội dung cơ bản về quản lý, phát triển CDĐL “Trà My” cho sản phẩm quế. Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý CDĐL, cụ thể hơn là sẽ xây dựng mô hình tổ chức, quản lý bên ngoài và một hệ thống quản lý nội bộ.
Mục tiêu hướng tới là xúc tiến thành lập hội hay hiệp hội sản xuất kinh doanh quế Trà My, đại diện cho lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, các hộ trồng và kinh doanh quế trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức nghiên cứu thị trường, ngành hàng, xác lập các kênh thương mại cho cây quế nhằm phát triển thị trường quế ổn định và bền vững là mục tiêu trọng tâm ở giai đoạn này.
Tại hội thảo, khá đông đại diện các sở ban ngành, các doanh nghiệp (DN) tán thành chủ trương bảo tồn, phát triển giá trị cây quế Trà My. Nhưng, bài toán về cây quế cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, cần tiếng nói chung giữa ngành KH-CN, các sở ban ngành lẫn chính quyền và người dân địa phương. Trước hết là vấn đề ưu tiên, quy hoạch trả lại đất gốc cho cây quế bắt đầu từ việc loại bỏ dần diện tích quế lai tạp, kém giá trị và hạn chế tốc độ phát triển của những loại cây trồng khác.
Thứ hai là chính sách bảo tồn nguồn gen gốc của quế Trà My, tức nguồn gen quế bản địa, khác với giống quế lai tạp, kém chất lượng du nhập vào vùng này những năm 1980. Nhiều quan ngại đặt ra khi gần đây, nhận thấy cây quế không đem lại giá trị bằng những loại cây khác như keo lá tràm, cao su…, nhiều người dân vùng Trà My đã ồ ạt phá bỏ cây quế.
Ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng phòng Khoa học hợp tác quốc tế (Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam) cho biết, viện đã từng hỗ trợ xây dựng nhiều thương hiệu nông sản hàng hóa như xây dựng CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn, cam Vinh, tiêu Quảng Trị... Mỗi nơi có mỗi mô hình quản lý khác nhau. Ở Trà My, sẽ gặp một số khó khăn như vùng quế phần lớn thuộc vùng dân tộc thiểu số trồng, giao thông cách trở, hiểu biết của người dân về CDĐL còn hạn chế.
“Việc tăng cường nhận thức của người dân để họ tham gia quản lý chất lượng sản phẩm là cần thiết. Một khó khăn nữa là quế gốc không còn nhiều, để phục tráng giống gốc này phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Hy vọng Quảng Nam có chính sách hỗ trợ việc bảo hộ và phát triển thương hiệu “cao sơn ngọc quế” có từ xa xưa” - ông Toàn nói.
Sẻ chia & cộng hưởng
Theo ông Phạm Viết Tích, nghịch lý là sản phẩm quế Trà My từ lâu đã có thương hiệu trên thế giới, nhu cầu về nguồn nguyên liệu xuất khẩu cũng rất lớn nhưng cây quế lại đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ ngay trên quê hương của nó. Vậy, việc bảo tồn giá trị của “cao sơn ngọc quế” là cấp thiết. Để làm được điều đó, tỉnh và địa phương cần có chính sách ưu tiên phát triển vùng trồng quế, cụ thể, có chính sách hỗ trợ người trồng quế để họ lấy ngắn nuôi dài; hỗ trợ giống gốc bằng cách tạo điều kiện thông thoáng giao đất giao rừng để DN và người dân cùng đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu.
“Việc đa dạng hóa cây trồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích quế gốc bị giảm sút, thu hẹp. Vậy, để giữ lại nguồn gen đặc trưng của vùng bản địa, có nên từ chối cây ngoại lai để ưu tiên đất mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu hay không?” - ông Tích chia sẻ.
Theo ông Tích, hiện diện tích vùng quế thuộc bảo hộ CDĐL khoảng 1.311,46ha, phân bố ở các xã Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My) và Trà Giáp, Trà Giác (Bắc Trà My). Trong khi đó, tại các xã Trà Bui, Trà Dương, Trà Giáp và một số địa bàn lân cận, diện tích cây quế còn rải rác gần 100ha và có xu hướng giảm đi.
Ông Hồ Văn Ni - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đánh giá, đây là một chủ trương tốt, lợi ích từ dự án rất lớn, địa phương mong muốn nếu phát triển được thương hiệu, không chỉ quảng bá trong nước mà có thể mạnh dạn liên kết xuất khẩu. Về phía DN, ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Công ty TNHH Quế Quảng Nam cho biết, hội thảo đã mở ra triển vọng để nông dân đầu tư và phát triển cây quế mạnh hơn, tạo điều kiện để DN có nguồn nguyên liệu ổn định để xuất khẩu. Theo ông Quân, nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu về mặt hàng quế rất lớn nhưng nguồn nguyên liệu giá trị gần như khan hiếm khi người dân chặt bỏ diện tích quế chuyển sang trồng những loại cây mới.
Để phục hồi giá trị cây quế, Quảng Nam cần bố trí quỹ đất tập trung để hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa, địa điểm cần thuận lợi về giao thông để tiện cho việc khai thác, vận chuyển. “Cần sớm thành lập hiệp hội người sản xuất và kinh doanh quế để đảm bảo quyền lợi cho người dân vùng quế và DN, chống tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và tình trạng DN cạnh tranh thiếu lành mạnh, bán phá giá khiến việc xuất khẩu gặp trở ngại” - ông Quân nói.
Phát triển thương hiệu, sản phẩm quế Trà My và sâm Ngọc Linh
Ông Phan Văn Tuấn - Giám đốc pháp lý Tập đoàn Dr.Thanh cho biết, tập đoàn vừa được UBND tỉnh cho phép sử dụng nhãn hiệu quế Trà My cùng với sâm Ngọc Linh trên cơ sở bảo hộ của pháp luật. Tập đoàn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đầu tư cơ sở để nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu quế và sâm; đồng thời tạo vùng quy hoạch và chế biến dược phẩm, các dòng thực phẩm chức năng từ 2 loài dược liệu này. Ngoài ra, Dr. Thanh sẽ làm cầu nối để làm mạnh thương hiệu và đưa sản phẩm của DN gắn với nhãn hiệu, thương hiệu từ các loại đặc sản Quảng Nam có mặt rộng rãi hơn trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Anh Đặng Văn Thông, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đánh bắt cá linh (ở ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu), cho biết: Năm nay cá linh về muộn hơn mọi năm và do nguồn cá ngày càng ít nên giá tăng cao. Giá bán tại chỗ từ 100.000 - 110.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với năm trước), giá tại các chợ ở TP. Long Xuyên từ 150.000 - 160.000 đồng /kg, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển khá mạnh tại xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Nhờ những thuận lợi về yếu tố tự nhiên, địa hình… nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp, năng suất bấp bênh sang NTTS.
Tháng 7/2013 ở Bình Thuận ước sản lượng hải sản nuôi trồng thu hoạch đạt 560 tấn, trong đó sản lượng hải sản nước lợ, nước mặn đạt 537 tấn, cá nước ngọt 23 tấn; lũy kế 7 tháng đạt 6.316 tấn (giảm 17,32% so cùng kỳ). Nguyên nhân do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, mưa muộn nên toàn tỉnh đến nay chỉ mới thả nuôi con giống trên 45% diện tích.