Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định)
Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.
Mô hình được triển khai tại các xã: Hoài Tân, Hoài Châu, Tam Quan Nam và Hoài Thanh Tây với 60 hộ nông dân tham gia. Được sự hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật của các giảng viên Trường ĐHNL Huế, các hộ dân đã bước đầu tiếp cận với việc nhân nuôi bọ đuôi kiềm.
Ông Lê Văn Dậy, nông dân ở thôn An Dưỡng 2, xã Hoài Tân, tham gia mô hình, cho biết: “Lúc đầu do chưa nắm được hết kỹ thuật nuôi nên sau khi nhận giống về thì bọ đuôi kiềm bị chết không ít, nhưng sau đó được sự hỗ trợ của các giảng viên Trường ĐHNL Huế nên tôi đã nhân nuôi thành công và thả bọ đuôi kiềm trên 30 cây dừa nhà mình. Nhân nuôi được số lượng nhiều rồi, tôi cứ thả từ 5 - 7 cặp bọ đuôi kiềm/cây dừa, hiện giờ các cây dừa nhà tôi đều rất tốt, ra hoa, ra trái nhiều hơn so với lúc bị bọ cánh cứng cắn phá. Các hộ ở gần nhà tôi khi thu hái dừa cũng đã phát hiện có bọ đuôi kiềm”.
Không riêng gia đình ông Dậy, nhiều nông dân tham gia mô hình đều rất hài lòng khi những cây dừa được thả bọ đuôi kiềm đều không còn bị bọ cánh cứng cắn phá. Bà Phạm Thị Hảo, ở thôn An Dưỡng 1, xã Hoài Tân, cho biết: “Gia đình tôi đã thả bọ đuôi kiềm trên 20 cây dừa. Tôi thấy nuôi bọ đuôi kiềm rất có lợi, vừa không tốn nhiều chi phí cho việc mua thuốc hóa học, vừa không độc hại mà đem lại hiệu quả rõ rệt cho các vườn dừa”.
Thạc sĩ Lê Khắc Phúc - giảng viên Khoa Nông học Trường ĐHNL Huế, trực tiếp hướng dẫn nông dân ở mô hình này, cho biết: “Người dân có thể tự nhân nuôi bọ đuôi kiềm, sau đó thả từ 5 - 7 cặp/cây dừa sẽ cho hiệu quả phòng trừ. Chi phí cho 1 cặp con giống khoảng 5.000 đồng. Xét về ưu thế, bọ đuôi kiềm là loài ăn mồi bản địa, có khả năng thích nghi, vừa chịu nắng, chịu lạnh, chịu mưa, có thể sống và phát triển quanh năm. Khi đã lên cây dừa nó chỉ có thể ở trên và không thể xuống vì đặc điểm của bọ đuôi kiềm là có 6 chân phía trước nên chỉ có thể bò lên. Khi vệ sinh vườn dừa nông dân có thể thấy bọ đuôi kiềm phát tán được trong môi trường tự nhiên, có thể bắt về nuôi và thả ra ở các vườn dừa khác”.
Mô hình này được nhiều nông dân Hoài Nhơn quan tâm, tìm hiểu, tiếp cận. Các hộ tham gia mô hình cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, con giống cho những người có nhu cầu.
Related news
Sau thời gian triển khai công tác chống dịch chổi rồng trên nhãn, đến nay có 19.130 ha nhãn ở 7 tỉnh, thành gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang, hồi phục phát triển trở lại sau cắt tỉa và phun thuốc, đạt tỷ lệ 81,4%.
Từ đầu năm 2013 đến nay, TP.Đông Hà đã phát động nhân dân sống tại 13 tuyến đường trung tâm thành phố tổ chức trồng được 927 cây lộc vừng.
Ốc càng xanh là loại ốc được nuôi để làm thức ăn cho tôm sú. Giống ốc này rất dễ nuôi, chỉ cần cung cấp đủ nước, thức ăn và hầu như không bị dịch bệnh. Một điều đặc biệt ở loại ốc này đó là muốn nuôi thì nhất thiết phải đổ vỏ của loại ốc khác xuống hồ để ốc càng xanh rời vỏ sang “ở nhờ”.