Để Nông Dân Việt Nam Sản Xuất Sữa Đạt Chuẩn Hà Lan
Từ đầu năm 2010, FrieslandCampina Việt Nam (Liên doanh giữa Công ty Friesland Hà Lan với Tổng công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương) triển khai Hệ thống quản lý rủi ro về chất lượng (Quality Risk Management System) nhằm hoàn tất hệ thống đảm bảo chất lượng của công ty từ nông trại đến bàn ăn. Hệ thống này không những kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng mà còn tập trung bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sữa bò tươi. Để đạt tiêu chuẩn này, mắt xích đầu tiên là chất lượng sữa phải đạt chuẩn. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm từng bước chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất sữa của FrieslandCampina cho nông dân Việt Nam.
Truyền nghề và rèn nghề
Ngay từ năm 1996, FrieslandCampina Việt Nam đã triển khai chương trình phát triển ngành sữa (DDP), bắt đầu từ việc tổ chức hệ thống thu mua nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho người nuôi bò sữa, đến thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ thú y, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về xây dựng chuồng trại, cách trồng cỏ đạt năng suất cao, lựa chọn và chế biến thức ăn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho đàn bò, chăm sóc bò đẻ và bê con, phòng chống các bệnh thường gặp ở bò…
Đơn cử như việc vắt sữa, cán bộ kỹ thuật của FrieslandCampina Việt Nam đã hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở nông dân từ những thao tác cơ bản nhất như: vệ sinh chuồng trại, vệ sinh cho bò trước khi vắt sữa, sử dụng thuốc sát trùng dụng cụ vắt sữa thay vì chỉ dùng nước như trước kia, phơi nắng các thiết bị sau khi sử dụng… cho đến khuyến khích họ vắt bằng máy thay vì bằng tay, sử dụng can nhôm chuyên dụng thay cho can nhựa để đựng sữa và liên tục tổ chức các lớp tập huấn về cách dùng máy vắt sữa sao cho đúng cách, hiệu quả. Để đảm bảo chất lượng sữa, sau khi vắt, sữa được vận chuyển xuống hầm lạnh dưới 4 độ C trong vòng 3 giờ. FrieslandCampina còn xây dựng hệ thống thu mua trực tiếp với cách tính toán khoa học, hợp lý nhất để nông dân tiện đi lại trong việc bán sữa, bao gồm 40 điểm thu mua, 4 trung tâm làm lạnh, lắp đặt các bồn lạnh tại điểm thu mua và tại trại…
Để khuyến khích nông dân nâng cao chất lượng sữa một các thiết thực nhất, FrieslandCampina Việt Nam luôn thực hiện phương châm trả giá theo chất lượng sữa. Với mức thu mua trung bình 11.300 đồng/kg sữa, thậm chí có hộ là 12.000 đồng/kg nếu chất lượng sữa tốt vượt chuẩn, FrieslandCampina Việt Nam đã tạo ra động lực để nông dân sản xuất sữa ngày càng tốt hơn. Bằng chứng rõ nhất là qua các năm, hàm lượng vật chất khô, chất béo trong sữa của các hộ luôn được cải thiện, trong khi tổng tạp trùng giảm, không có dư lượng kháng sinh, không có chất thêm vào, đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã đặt ra...
Ba nhà cùng có lợi
Anh Nguyễn Văn Lấn, người chuyên cung cấp sữa cho FrieslandCampina Việt Nam chia sẻ: "Ban đầu, thấy các quy trình, tiêu chuẩn về sữa tươi của công ty nghiêm ngặt quá mà... ngán! Nhưng dần dần tôi thấy nếu chịu khó một chút, siêng năng một chút để làm đúng kỹ thuật mà công ty hướng dẫn thì việc sản xuất sữa chất lượng cao không khó. Quan trọng hơn, sản xuất sữa đúng quy định giúp tôi có thu nhập cao hơn. Bây giờ trung bình tôi bán sữa với giá 11.300 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 2.500 đồng/kg, mỗi ngày tôi thu lợi gần 300.000 đồng. Mức thu nhập này giúp gia đình tôi sống khỏe, hoàn toàn có thể yên tâm với nghề".
Đánh giá về lợi ích của việc sản xuất sữa tươi chất lượng cao, ông Lưu Văn Tân, Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của FrieslandCampina Việt Nam cho rằng, không chỉ doanh nghiệp, nông dân mà cả người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. "Doanh nghiệp sẽ có được nguồn sữa chất lượng, sản xuất các sản phẩm uy tín, đạt tiêu chuẩn cao về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Nông dân có thêm thu nhập, sống ổn định với nghề, yếu tố quan trọng trong việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững. Riêng người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng các sản phẩm đã được kiểm chứng an toàn vệ sinh thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng".
FrieslandCampina Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình phát triển ngành sữa từ năm 1995 với mức đầu tư khoảng 1 triệu đô la Mỹ/năm. Hiện có 70 kỹ sư, bác sĩ thú y, nhân viên kỹ thuật Việt Nam và chuyên gia Hà Lan đang làm việc cho chương trình này. Hơn 2.400 hộ nông dân đã được ký hợp đồng thu mua và thường xuyên được huấn luyện, kiểm tra, cung cấp khoảng 170 tấn sữa chất lượng mỗi ngày (chiếm 23- 25% lượng sữa tươi của cả nước). Việc ký hợp đồng thu mua sữa với phương thức trả tiền trực tiếp, khuyến khích thưởng cho sữa có chất lượng cao đã giúp nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi theo hướng bền vững. Do đó, có thể khẳng định, chương trình khuyến nông của FrieslandCampina Việt Nam có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao kiến thức của người chăn nuôi và chất lượng của ngành sản xuất sữa Việt Nam. Nguồn thu nhập và lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa đã được người chăn nuôi tái đầu tư nâng quy mô đàn bò trong mỗi hộ. Với đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp và lành nghề, người nông dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật có chất lượng cao và đáng tin cậy. Chương trình phát triển ngành sữa của FrieslandCampina Việt Nam được xem như mô hình hoạt động hỗ trợ của 1 doanh nghiệp đối với cộng đồng và là sự gắn kết điển hình giữa 3 nhà: Nhà nước - doanh nghiệp và nông dân. TS. Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá: "Sau hơn 15 năm hoạt động, chương trình đã thực sự góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam".
Cô Gái Hà Lan, 15 năm chung sức cùng Việt Nam
Chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, với tinh thần "chung sức cùng cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam", Cô Gái Hà Lan, nhãn hiệu lớn nhất của FrieslandCampina Việt Nam tự hào được góp phần vào sự phát triển của đất nước. Không chỉ nổi tiếng với các hoạt động xã hội như chương trình khuyến học Đèn Đom Đóm, chương trình Phát triển ngành sữa bền vững, chương trình nghiên cứu và cải thiện dinh dưỡng cho người Việt…, Cô Gái Hà Lan còn nổi tiếng về sự hợp tác bền vững với các doanh nghiệp trong nước, xây dựng đào tạo nguồn nhân lực Việt, tích cực chuyển giao kỹ thuật công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ tài nguyên môi trường. Cô Gái Hà Lan cũng tích cực thực hiện các chương trình cứu trợ bão lụt, khám - chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, vận động người dân thực hiện "Tiêu dùng xanh", "Tiết kiệm năng lượng", bảo vệ môi trường… đem lại kết quả thiết thực và hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng
Related news
Được xem là loài thực phẩm được ưa chuộng nên việc nuôi kỳ đà thương phẩm ngày càng phổ biến rộng rãi và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình nuôi kỳ đà đã được triển khai thành công ở nhiều tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình...
Phát huy phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, dù tuổi đã cao song rất nhiều cựu chiến binh ở huyện Điện Biên vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều cựu chiến binh (CCB) đã trở thành những điển hình kinh tế giỏi, đóng góp nhiều trong phong trào xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Nằm trên dãy núi Nưa của xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, trang trại của thầy giáo Ngợi bao gồm hơn 200 con trâu, bò, hàng trăm con dê, lợn, gà. Trải qua gần 6 năm phấn đấu, nỗ lực, giờ đây ước tính trang trại trên 30 ha đất núi của thầy với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng.