Phát Triển Vườn Cây Ăn Trái Cho Giá Trị Kinh Tế Cao
Là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) đang tích cực phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, cho giá trị kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn...
Phong Điền đang hướng đến hình thành những vùng sản xuất trái cây tập trung với sản lượng hàng hóa lớn, tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch sinh thái…
Phát triển sản xuất nông nghiệp của Phong Điền chủ yếu là trồng cây ăn trái, nhất là các loại cây đặc sản và cho giá trị kinh tế cao như: nhãn, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, dâu Hạ Châu, chôm chôm...
Trong đó, nhiều mô hình vườn cây ăn trái nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh đang cho doanh thu cao với trên 150 triệu đồng/ha.
Huyện Phong Điền định hướng nông dân mở rộng diện tích nhãn. Trong ảnh: Vườn nhãn của ông Lâm Văn Hoàng ở xã Nhơn Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, địa phương đang có trên 6.000 ha đất vườn, trong đó vườn cây ăn trái gần 5.500 ha và còn lại là vườn hiệu quả kinh tế không cao. Sản lượng trái cây hàng năm của địa phương khá lớn, khoảng 55.000 - 60.000 tấn. Trong đợt lũ lớn vào năm 2011 trên địa bàn huyện có gần 970 ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại khoảng 30 - 70% và gần 480 ha bị thiệt hại trên 70%. Từ năm 2012 đến nay, nông dân cũng đã khôi phục lại vườn bị thiệt hại với gần 950 ha…
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: Huyện Phong Điền đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để khắc phục thiệt hại vườn cây ăn trái sau đợt lũ năm 2011, với khoảng 2,2 tỉ đồng để hỗ trợ người dân mua cây giống trồng lại vườn bị chết cây.
Ngoài ra, năm 2012 huyện còn tập trung nguồn trợ giá giống với khoảng 200 triệu đồng, năm 2013 gần 500 triệu đồng để hỗ trợ nông dân phát triển vườn cây cây trái. Ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn trái…
Để đảm bảo vườn cây ăn trái không còn bị thiệt hại do lũ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm ổn định sản xuất, trong 2 năm qua, huyện Phong Điền đã tập trung phát triển hệ thống đê bao cho các tiểu vùng vườn cây ăn trái. Theo đó, năm 2012 huyện đã xây dựng được hệ thống đê bao phục vụ cho khoảng 2.200 ha, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư hơn 10 tỉ đồng.
Năm 2013 địa phương đã bố trí kinh phí 6 tỉ đồng và phấn đấu xây dựng hệ thống đê bao phục vụ thêm cho khoảng 2.000 ha… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Phong Điền, qua xây dựng hệ thống đê bao tiểu vùng vườn cây ăn trái bước đầu cho hiệu quả thấy rõ, đợt lũ năm 2012 vườn cây ăn trái trong vùng đê bao vẫn an toàn...
Những năm gần đây, dịch bệnh "chổi rồng" trên nhãn đã gây thiệt hại nặng nề ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Phong Điền, nhiều diện tích nhãn cũng đã bị nhiễm bệnh và thiệt hại lớn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện kết hợp với các nhà khoa học đã tích cực hướng dẫn nông dân cách phòng trị; chủ yếu hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp làm tăng chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cây và phòng trừ nhện lông nhung.
Qua chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng trên toàn huyện vừa qua cũng đã cho kết quả tích cực, diện tích bị thiệt hại đã khắc phục được trên 90%. Huyện còn đang hướng nông dân chọn giống nhãn Ido kháng bệnh "chổi rồng" để nhân rộng ra địa bàn các xã Trường Long, Nhơn Nghĩa…
Ông Lâm Văn Hoàng, ở ấp Thị Tứ, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết: "Tôi trồng 10 công nhãn (khoảng 400 gốc), trước đây cho thu hoạch khoảng 20 tấn, thu 150 - 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm 2011 nước lũ lên cao làm chết mấy chục cây, nhãn còn bị nhiễm bệnh "chổi rồng" thiệt hại lên đến khoảng 70%. Do đó, năm 2011 nhãn thu hoạch chỉ được khoảng 7 tấn, bán được gần 70 triệu đồng.
Nhờ nhà nước phát thuốc, hướng dẫn phòng trị đến năm 2012 vườn nhãn chỉ còn thiệt hại do bệnh "chổi rồng" khoảng 30%, năm rồi tôi thu hoạch được 12 tấn nhãn, bán được khoảng 140 triệu đồng. Năm 2012, nhà nước vận động dân làm được đê bao nên bà con ở đây cũng đã yên tâm phát triển vườn cây ăn trái, không còn lo nước lũ đe dọa nữa...".
Nói về định hướng phát triển vườn cây ăn trái của địa phương, ông Trần Thái Nghiêm cho rằng: Huyện đang tập trung phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hình thành một số vùng chuyên canh (diện tích mỗi tiểu vùng khoảng 100 - 200 ha) nhằm ổn định sản lượng hàng hóa nhất định, bên cạnh đó sẽ phát triển diện tích một số loại cây đặc sản của địa phương (như: dâu Hạ Châu, vú sữa, cam mật, măng cụt…) để tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân và kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Việc phát triển vườn cây ăn trái cũng cơ bản phù hợp với điều kiện chung của huyện, điều kiện canh tác và lao động của từng hộ gia đình...
Hiện nay, dâu Hạ Châu Phong Điền đã có thương hiệu và đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp huyện dự kiến phát triển tăng từ khoảng 500 ha hiện nay tăng lên 700 - 800 ha. Cây đặc sản vú sữa sẽ phát triển một số vùng trồng để tiến tới đăng ký thương hiệu, dự kiến từ khoảng 700 ha hiện nay tăng lên 1.000 ha trở lại.
Nhãn từ khoảng 340 ha hiện nay dự kiến tăng lên trong khoảng 500 ha. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện Phong Điền đang khuyến khích nông dân khôi phục lại cam mật - một loại cây đặc sản của Phong Điền đã bị tàn phá bởi bệnh vàng lá gân xanh trong những năm qua, dự kiến năm nay phát triển trồng lại khoảng 20 ha...
Có thể bạn quan tâm
Cũng như các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, từ đầu vụ đông xuân, bà con nhân dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) phải đối mặt với việc chuột đồng phá hoại lúa trên diện rộng, thì nay bà con lại lo lắng trước hiện tượng các loại rầy gây hại cục bộ cho cây lúa trong thời kỳ chín sạ.
7 năm qua, nông dân trồng đậu bắp nhật ở 3 xã: Tân Hòa, Định Hòa và Vĩnh Thới (Lai Vung - Đồng Tháp) đều đạt lợi nhuận cao hơn trồng lúa và một số loại cây màu khác. Hiện mô hình liên kết trồng cây đậu bắp Nhật đang có xu hướng mở rộng trên địa bàn huyện.
Có chút ngạc nhiên lẫn thú vị cho những người yêu cây trái khi biết rằng cây bơ trên đất Lâm Đồng ra quả hầu như quanh năm và thực ra trồng bơ cũng rất kinh tế không kém so với nhiều loại cây trồng khác.