Phát Triển Kinh Tế Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt
Học hết trung học phổ thông, anh đã theo đuổi nhiều nghề, đi nhiều nơi nhưng rồi thất bại. Không sợ khó khăn vất vả, dám nghĩ dám làm, anh đã tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi vịt hiệu quả..
Chàng thanh niên đó là anh Đinh Xuân Ngọc ở thôn 3, xã An Khang (TP Tuyên Quang). Anh Ngọc sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mất sớm. Hai vợ chồng anh lấy nhau được hơn hai năm, ban đầu chỉ có hai bàn tay trắng, anh chị cũng đã phát triển kinh tế theo nhiều hướng nhưng đều không mang lại hiệu quả cao. Đến khi chuyển sang nuôi vịt thịt, gia đình anh đã thoát nghèo và từng bước đi lên. Từ chỗ còn thiếu thốn nhiều mặt nay đã khá giả hơn.
Chị Doãn Thị Minh Thơ, vợ anh Ngọc vui vẻ cho biết, thời điểm này đàn vịt của gia đình có khoảng 300 con, mỗi năm gia đình cũng xuất ra thị trường từ 8 - 10 tấn vịt thịt, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Có khi được mùa, giá vịt trên thị trường tăng cao, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện đáng kể. Chị còn cho biết, tận dụng được đồng ruộng sau mùa thu hoạch, anh chị đã nuôi thả vịt ra ngoài đồng, mỗi ngày tiết kiệm gần 500.000 đồng tiền thức ăn cho đàn vịt.
Anh Ngọc chia sẻ, con vịt không dễ nuôi. Trước khi chăn nuôi vịt, mỗi hộ gia đình cần có hệ thống chuồng trại hợp lý, vệ sinh, kết hợp nuôi vịt với mô hình VAC. Vịt trước khi thả nuôi phải được chọn lựa giống kỹ càng, theo anh Ngọc nên chọn loại giống vịt bầu cánh trắng vì loại này cho giá trị kinh tế cao và sức đề kháng tốt. Mặc dù khâu chọn giống kỹ lưỡng nhưng quá trình nuôi thả, vịt vẫn có thể mắc một số các bệnh như: ỉa phân trắng, tả, tụ huyết trùng và H5N1.
Trong đó đặc biệt nguy hiểm là bệnh tụ huyết trùng và H5N1 vì hai loại bệnh này gây ra hiện tượng vịt chết hàng loạt hay lây nhiễm sang cơ thể người. Ngoài những biện pháp phòng tránh như tiêm phòng và vệ sinh sạch sẽ, anh Ngọc cũng thường xuyên sử dụng các loại thuốc đặc chủng, phối hợp với thuốc hóa dược (nhỏ mắt, nhỏ mũi, tiêm bắp) để chữa trị cho đàn vịt.
Anh Ngọc cũng cho biết thêm, trên thực tế, quá trình xuất vịt ra thị trường không kết hợp nhịp nhàng, đúng cách thì mỗi con vịt có thể giảm 5-15% trọng lượng, nên người nuôi vịt cần tránh tình trạng vịt bị sẻ đàn, bỏ ăn dẫn đến hao trọng lượng.
Nhờ vào việc chăn nuôi vịt hiệu quả, đến nay gia đình anh Đinh Xuân Ngọc đã mua được chiếc xe ô tô tải Chiến Thắng tải trọng 1 tấn trị giá gần 200 triệu đồng. Bên cạnh công việc vận chuyển của gia đình, chiếc xe cũng phục vụ nhu cầu của khách hàng, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài việc chăn nuôi vịt, gia đình anh Ngọc cũng phát triển kinh tế với cây lúa và ngô, cung cấp đủ lương thực cho gia đình và tăng thêm hàng chục triệu đồng thu nhập mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26/7, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) phối hợp với UBND xã Tân Dân hợp đồng với Công ty TNHH Trường Thịnh thả hơn 3,3 triệu con sú giống cho 46 hộ dân.
Thời điểm hiện nay, ngư dân tại Vĩnh Hy (Vĩnh Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận) đang bước vào chính vụ thu hoạch tôm hùm thịt. Tuy nhiên, do giá tôm thương phẩm bị sụt giảm kéo dài từ đầu nằm đến nay nên nhiều người nuôi tôm hùm ở đây liên tục bị thua lỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu thiệt vẫn là nông dân.