Giá / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Để Trái Cây Nam Bộ Không Còn Điệp Khúc “Trúng Mùa Rớt Giá”

Giải Pháp Để Trái Cây Nam Bộ Không Còn Điệp Khúc “Trúng Mùa Rớt Giá”
Tác giả: 
Ngày đăng: 13/08/2013

Nam bộ bao gồm 21 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, hiện có diện tích cây ăn trái 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 53,2% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước. Gần đây, sản xuất trái cây ở Nam bộ có những bước tăng trưởng khá nhanh về cơ cấu và sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, tổng giá trị và lợi nhuận thu được từ cây ăn trái chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, sản xuất chưa thật sự bền vững, tình trạng "trúng mùa rớt giá" thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến sản xuất của ngành và của nông dân.

Sản xuất rải vụ - trái cây để không còn "cung vượt cầu"

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, giá trái cây thường rớt giá vào mùa mưa (tháng 6 đến tháng 10) và có giá vào mùa khô (tháng 12 đến tháng 4). Từ qui luật này, nhiều năm nay các nhà vườn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã điều chỉnh bớt đi số lượng trái cây vào mùa mưa và cho trái vào các tháng mùa khô và bán được giá cao. Nhiều vườn trồng sầu riêng, bưởi da xanh, cam sành, quýt đường, chôm chôm, xoài cát đã có cuộc sống khấm khá nhờ biết cho trái lúc nào thì bán được giá cao.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do đặc tính ra hoa theo mùa, trong điều kiện tự nhiên trái cây chính vụ tập trung với sản lượng lớn nên thường gây nhiều khó khăn cho tiêu thụ, hiệu quả sản xuất không cao; trong khi trái cây nghịch vụ với số lượng hạn chế nên dễ tiêu thụ với giá cao. Không phải đến giờ mà những năm qua, nông dân đã làm sản xuất rải vụ. Tuy nhiên, vấn đề là chủ yếu nhân dân tự sản xuất, mạnh ai nấy làm chứ chưa có qui hoạch cụ thể nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời tránh những tác động ngược.

Theo ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) , sản xuất rải vụ trái cây nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ mất cân đối cung cầu. Do đó, cần có sự thống nhất giữa các địa phương và phân công rải vụ hợp lý trên cơ sở khoa học gắn kết với kinh nghiệm thực tiễn của nhà vườn và hợp tác liên kết giữa các "nhà" trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Qui hoạch sản xuất cây ăn trái rải vụ gắn với vùng chuyên canh tập trung

Ngành nông nghiệp các tỉnh Nam bộ đều thống nhất, sản xuất trái cây rải vụ là hướng đi tất yếu, nhằm hạn chế tình trạng "dội chợ" khi nhiều loại trái cây thu hoạch đồng loạt dẫn đến rớt giá, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là qui hoạch sản xuất rải vụ như thế nào cho phù hợp, cơ chế nào để vận động nông dân xử lý rải vụ, chứ dùng biện pháp hành chính để quản lý rải vụ thì khó khả thi.

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất trái cây ở Nam bộ, tại hội thảo triển khai sản xuất cây ăn trái rải vụ vùng Nam bộ được tổ chức ở Tiền Giang gần đây, Cục Trồng trọt đã thông qua dự kiến lịch rải vụ thu hoạch 5 loại trái cây chủ lực có khả năng cạnh tranh của vùng Nam bộ với thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nếu chưa làm được ngay với 5 loại trái cây đã được chọn thì trong năm 2014, cần áp dụng sản xuất rải vụ đối với hai loại thanh long và xoài vì 2 loại trái cây này thường rớt giá mạnh vào mùa mưa.

Một số ý kiến khác cho rằng: sản xuất rải vụ là hướng đi rất đúng để phát triển sản xuất trái cây bền vững. Tuy nhiên, nếu muốn rải vụ thành công phải có doanh nghiệp tham gia để điều tiết thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Có làm được như vậy mới thực hiện thành công sản xuất rải vụ trái cây ở Nam bộ. Trong sản xuất rải vụ cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, tuy vậy, vấn đề liên kết như thế nào thì chưa có chính sách cụ thể.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: Cần phải xác định rõ sản xuất rải vụ chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết điệp khúc "được mùa rớt giá", chứ không phải là tất cả. Bởi đầu ra của trái cây còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như: yếu tố thị trường, chế biến trái cây, công tác xúc tiến thương mại…

Để sản xuất trái cây rải vụ ở Nam bộ đạt hiệu quả cao, các tỉnh thống nhất triển khai các giải pháp như: Qui hoạch sản xuất cây ăn trái rải vụ gắn với vùng sản xuất cây ăn trái tập trung; phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn trái rải vụ trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng... với các nhà vườn trồng cây ăn trái.

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh được phân công trưởng nhóm điều hành đối với từng loại trái cây, tổ chức triển khai thực hiện lịch thời vụ chung của đối tượng trái cây rải vụ về qui mô diện tích, sản lượng, thời gian, qui trình thực hiện sản xuất rải vụ; thu hái và tổ chức tiêu thụ sản phẩm đảm bảo giá cả hợp lý có lợi cho người sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Người Có Bí Quyết Trồng Chôm Chôm Bội Thu Người Có Bí Quyết Trồng Chôm Chôm Bội Thu

Đầu năm 2009, thời tiết mưa nhiều, đa số các vườn trồng chôm chôm ở Đồng Nai cho trái muộn và thất mùa. Thế nhưng, vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), vẫn sai trái và thu lời hơn 70 triệu đồng/hécta

13/08/2013
Một Số Mô Hình Sản Xuất Tiên Tiến, Đạt Hiệu Quả Cao Một Số Mô Hình Sản Xuất Tiên Tiến, Đạt Hiệu Quả Cao

Nằm ở khu vực ĐBSCL nên Vĩnh Long có tiềm năng đa dạng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Sự phong phú về đối tượng cây trồng, vật nuôi, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên

13/08/2013
Chơi Cây Cho Tiền Tỷ, Biệt Thự Lộng Lẫy Chơi Cây Cho Tiền Tỷ, Biệt Thự Lộng Lẫy

Nhìn ngôi biệt thự đẹp lộng lẫy nằm giữa thôn Khúc, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên của anh Đỗ Văn Sỹ, ai cũng thán phục.

13/08/2013