Phân Bón Diệt Cây Trồng
Bón cây, cây chết
Phong Hiền là một xã thuần nông, đời sống của bà con nông dân xưa nay chủ yếu dựa vào cây lúa và hoa màu. Trong vụ đông xuân năm 2011, đến mùa vụ, bà con mua phân bón của Công ty Cổ phần quốc tế Kim Anh (gọi tắt là Cty Kim Anh) từ các đại lý phân phối trên địa bàn để bón cho cây trồng.
Chừng nửa tháng sau, 23 ha lúa và hoa màu của hàng chục hộ dân ở các thôn Triều Dương, Vĩnh Nãy, Bắc Thành đồng loạt vàng lá, thối rễ rồi chết yểu. Bỏ hàng chục triệu đồng để đầu tư cho mùa vụ cộng với tiền phân bón, cây trồng chết hàng loạt đã đẩy nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Dẫn chúng tôi đến thôn Triều Dương, ông Nguyễn Đình Hợp - Cán bộ nông nghiệp xã Phong Hiền bức xúc: “Chưa năm nào bà con nông dân khốn đốn như hiện nay. Gặp phân bón kém chất lượng không chỉ làm cây chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng mà những diện tích đất bị “nhiễm” phân bón dỏm giờ trồng cây chi xuống cũng còi cọc, sản lượng giảm hẳn so với những mùa vụ trước”.
Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Triều Dương) cho biết: “Gia đình tui trồng 3 ha sắn, 1 ha lúa, 1 ha lạc và mía. Qua hai đợt mua phân bón, tổng cộng tui mua 31 bao phân (mỗi bao 50kg) do Cty Kim Anh sản xuất thông qua đại lý Nguyễn Thị Thu Sương, đóng tại An Lỗ, xã Phong An, huyện Phong Điền với giá 16 triệu đồng. Thời gian đầu mới bón, thấy lá cây héo, cây không phát triển nên chừng 10 ngày sau tui bón thêm đợt hai thì cây trồng chết hàng loạt. Sắn thì lá đỏ quạnh, rễ bị đen, mềm ra. Như mọi năm, 3 ha sắn của tui thu 60 tấn, khi bón phân vào số diện tích còn sống sót đến khi thu hoạch chỉ cho chưa đầy 20 tấn sắn; mía thì đốt cứ ngắn lại, không có nước, bán cũng chẳng ai mua”.
Theo tính toán của nhiều hộ dân, phân bón kém chất lượng, làm chết cây trồng đã làm thiệt hại của bà con hàng trăm triệu đồng. Những diện tích cây trồng sống sót thường cho sản lượng rất thấp, chất lượng tinh bột kém nên bị tư thương ép giá, lỗ càng thêm lỗ. Chỉ tính riêng thôn Triều Dương đã có 12 hộ dân bị thiệt hại nặng về hoa màu như các hộ Hoàng Đình Dần mất gần 50 triệu, Hoàng Dưỡng thiệt hại khoảng 45 triệu…
Ông Hoàng Đình Dần cho biết, trong mùa vụ vừa qua ông mua 35 bao phân bón của Cty Kim Anh, mỗi bao giá 500 nghìn đồng. Sau khi bón, 1,5 mẫu ruộng lúa của ông gần như chết sạch, các loại cây trồng khác như sắn, mía, lạc đều bị thiệt hại từ 60-70%. Quá bức xúc, ông Dần cùng nhiều hộ dân đã điện thoại trực tiếp đến số máy ghi trên bao bì sản phẩm phân bón của Cty Kim Anh nhưng không có người trả lời.
Ngoài ra, các hộ dân khác ở thôn Vĩnh Nãy, Bắc Thành mua phân bón của Cty Kim Anh từ đại lý Nguyễn Đình Minh đóng trên địa bàn xã cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
DN cao chạy xa bay?
Việc im lặng đến khó hiểu trong một thời gian dài của Cty Kim Anh - đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng gây chết hàng loạt cây trồng của bà con nông dân tại xã Phong Hiền đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Ông Hoàng Hữu Hè - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TT-Huế cho hay: “Từ tháng 11 năm 2011 đến nay, phía Sở đã nhiều lần gửi giấy mời, thông báo và cả điện thoại yêu cầu đại diện phía Cty Kim Anh đến làm việc và giải quyết dứt điểm vụ việc trên nhưng vẫn không thấy hồi âm. Hiện, vụ việc Cty Kim Anh đã được Sở báo cáo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT để có phương án xử lý”.
Ông Trương Diên Hùng - Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Sau khi nghe bà con phản ánh về việc sử dụng phân bón của Cty Kim Anh khiến cây trồng chết hàng loạt, xã đã có báo cáo lên huyện và Sở NN-PTNT để có phương án xử lý”.
Ngày 25/3/2011, UBND tỉnh TT-Huế ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng vật tư nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu đối với lô hàng Phân bón tổng hợp N-K do nhà máy sản xuất phân bón tổng hợp (đóng tại xã An Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) sản xuất thông qua đại lý phân phối Nguyễn Thị Thu Sương đóng trên địa bàn xã Phong An.
Kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho thấy số phân bón trên không đạt chất lượng. Để giải quyết vấn đề trên, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh TT-Huế đã mời đại diện lãnh đạo Cty Kim Anh do ông Nguyễn Thành Hiệp làm Giám đốc đến làm việc. Ngày 25.7.2011, Cty Kim Anh đã đề nghị phúc tra lại kết quả phân tích mẫu phân bón. Tuy nhiên, kết quả phúc tra lại của Phòng kiểm định chất lượng phân bón số 11 thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hoá vẫn kết luận “không đạt chất lượng”.
Related news
Hiện nay, trên địa bàn Khánh Hòa phát triển rất mạnh mô hình nuôi rắn mối, một số hộ ăn nên làm ra nhờ biết cách vận dụng nuôi theo đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm nên nhiều hộ gia đình từ rất khó khăn đã trở nên khá giả bằng nghề nuôi đối tượng đặc sản này. Gia đình chị Đinh Thị Kiều Hoa ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh là một trong những hộ điển hình.
Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.
17 hộ nuôi cá lồng trên dòng Kênh Than - nơi giao nhau với vịnh Nghi Sơn, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang đứng ngồi không yên bởi hiện cá chết hàng loạt. Mấy ngày qua, có người đã phát ốm vì thất thu hàng trăm triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.