Ðể Người Nuôi Tôm Không Phải "Treo Ao"
Chỉ còn hơn một tháng nữa, vụ nuôi tôm thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy vậy, suốt gần một tuần qua, mưa lớn kéo dài đang khiến cho người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) như ngồi trên đống lửa, bởi mưa lớn bất thường kèm bão sẽ làm thay đổi nguồn nước nuôi tôm, khả năng thất bát là rất lớn.
Khó tiếp cận được nguồn vốn
Chúng tôi về thăm lại gia đình anh Lâm Văn Tiến, một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, địa bàn được chỉ định tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vào một chiều mưa tháng 8. Bày tỏ nỗi lo âu khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình nuôi tôm của gia đình, anh Tiến tâm sự: "Chúng tôi vẫn treo ao từ đầu năm tới giờ, không dám thả giống vì mấy năm nay tôm chết nhiều quá, lại không mua được bảo hiểm nên không dám "đánh bạc với trời". Tới giờ thấy mình còn may quá, vì người khác vẫn liều thả giống, tôm chết nhiều, thua lỗ đã thấy rõ".
Ngược lại với tình hình của Bạc Liêu, vụ tôm đầu năm, người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã thắng lớn với tỷ lệ thiệt hại chỉ dưới 25%. Tại hội nghị sơ kết BHNN năm 2012 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí vui vẻ thông báo: Tuy chưa thể triển khai BHNN nhưng năm nay Sóc Trăng thắng lớn vụ tôm đầu, và giá tôm đang ngày càng tăng cao.
Trúng mùa, trúng giá, người nuôi tôm ở Sóc Trăng rất phấn khởi, biết ơn sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành, bởi nhờ được bồi thường bảo hiểm năm rồi, người nuôi tôm ở Sóc Trăng mới có nguồn vốn để triển khai thắng lợi vụ tôm đông xuân vừa qua. Hiện nay, tỉnh đã lại gần kết thúc vụ hè thu, và là vụ thứ hai Sóc Trăng nuôi tôm "không bảo hiểm".
Sở dĩ có sự khác biệt về kết quả nuôi là vì tuy cùng trong vùng ÐBSCL nhưng khác với hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lại có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Sản lượng tôm nước lợ vụ vừa qua đạt gần 8.000 tấn, tăng 47,5% so với năm 2012. Với giá tôm tăng từ 10 đến 20% so với giá đầu mùa, hiện nay, người có tôm thương phẩm đang rất hài lòng với giá trị sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ÐBSCL, dù đã sắp kết thúc vụ nuôi thứ hai của năm nhưng đến nay diện tích thả nuôi khu vực trọng điểm trong vùng bao gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... vẫn chưa thể hoàn thành kế hoạch. Tại nhiều vùng trọng điểm nuôi tôm, diện tích ao bị "treo" vẫn còn khá nhiều, lại tập trung ở nhóm hộ nuôi diện tích lớn.
Không hoặc khó tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục triển khai nuôi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người nuôi vẫn quyết "treo" ao, dù sản phẩm rất thành công về giá bán. Trong điều kiện hơn mười vụ nuôi thất bát liên tiếp mấy năm qua, có thể khẳng định, nguồn vốn tự có của người nuôi đã cạn kiệt.
Nguồn vốn vay ngân hàng cũng không nhiều, khi doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản của năm ngân hàng thương mại nhà nước đến hết tháng 5 mới chỉ đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm tới 3,5% so với cuối năm 2012, trong đó cho khu vực nuôi trồng chỉ có 6.655 tỷ đồng, còn phần lớn (hơn 10 nghìn tỷ đồng) là cho vay chế biến. Chính vì vậy, người nuôi chỉ còn trông vào nguồn vốn bồi thường bảo hiểm thủy sản. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng sòng phẳng, nghiêm túc thực hiện các quy chế bảo hiểm nên trong thời gian qua, vẫn có những hợp đồng bảo hiểm còn đang trong quá trình Ban chỉ đạo địa phương thẩm định rủi ro trước khi quyết định mức đền bù.
Sự nôn nóng muốn được nhanh chóng hưởng lợi từ chương trình BHNN của người dân, của các địa phương và những vướng mắc trong cơ chế tài chính đã tạo nên những dư luận không đúng về việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ thực hiện thí điểm BHNN của các DNBH. Nhiều DNBH thường xuyên trong tình trạng căng thẳng khi người dân kéo đến trụ sở để chất vấn và đề xuất nguyện vọng, ý kiến.
Gỡ vướng về cơ chế tài chính
Tại Hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản vùng ÐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, trước kiến nghị phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn (mà trước mắt phải tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về vốn và tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, những sản phẩm quan trọng, bảo đảm được đầu ra và có kế hoạch tốt thì ngành ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển. Ðặc biệt là nếu có hợp đồng BHNN, ngành sẽ đẩy mạnh việc cấp bảo lãnh tín dụng. Như vậy, trong việc triển khai chính sách tiền tệ, chính sách BHNN đã trở thành một trong những điều kiện "bảo lãnh" cho nguồn vốn vay "chảy" vào khu vực đang "khát" vốn này.
Chị Nguyễn Thị Ðẹp, hộ nuôi tôm tại xã Lương Thế Chân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, một trong những hộ đã ký hợp đồng bảo hiểm tôm nuôi cho biết: Gia đình chị có hai ao nuôi với diện tích 3.600 m2 và 1.300 m2. Vụ nuôi đầu năm 2013, chị thả tổng cộng 380 nghìn con giống trên diện tích này, và số tiền gia đình chị phải bỏ ra để mua bảo hiểm cả hai ao là 7,5 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, cả hai ao không may bị thất bát, tổng số tiền theo chị tính có thể được bồi thường khoảng 100 triệu đồng. Với số tiền phí bỏ ra chỉ bằng 1/10 số tiền dự tính được bồi thường nên chị Ðẹp rất hy vọng vào nguồn vốn này, để có thể trả nợ vay vốn mua giống và thức ăn. Với sự ưu việt đó, cùng với những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay khác, chị Ðẹp và người dân nuôi tôm ở ÐBSCL đã đặt rất nhiều niềm tin vào loại hình bảo hiểm này.
Ðể giúp người nuôi thủy sản ÐBSCL vượt qua được khó khăn, không còn phải chịu cảnh "đánh bạc với trời", đồng thời giúp DNBH tháo gỡ vướng mắc trong nghiệp vụ, Bộ Tài chính đã ban hành quy định pháp lý sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính trong thực hiện BHNN. Trong đó, để phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình trong nước, các chi phí (cho bán hàng, quản lý, hỗ trợ, chi thù lao...) được điều chỉnh giảm để cùng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng tài chính quốc tế, tạo "hành lang" thông suốt cho công tác BHNN được triển khai có hiệu quả, có được điều kiện tốt để triển khai ra diện rộng trong thời gian tới.
Với những quy định pháp lý phù hợp và kịp thời này, hiện tại, việc triển khai BHNN đã được đẩy mạnh tại tất cả các địa phương trong cả nước. "Nút thắt" về BHNN đã được tháo gỡ. Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu Trần Thanh Lạc cho biết, tại tỉnh Bạc Liêu, Bảo Việt đã triển khai xong công tác tập huấn quy định mới cho hơn 100 cán bộ ban chỉ đạo địa phương, và hiện đang chuẩn bị cho việc ký hợp đồng BHNN cho vụ nuôi cuối cùng của năm. Cùng với Bảo Việt, tại Cà Mau, Bến Tre, Bảo hiểm Bảo Minh cũng đã sẵn sàng triển khai BHNN cho những vụ nuôi mới. Hy vọng những cố gắng của Ban chỉ đạo BHNN T.Ư sẽ tiếp tục mang lại điều kiện bảo đảm an toàn tài chính bền vững cho người nuôi thủy sản của vùng ÐBSCL.
Related news
Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng chị Lò Thị Tiên, đội 6, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn rạng rỡ, phấn khởi. Chị Tiên bộc bạch: “Đã mấy năm rồi, suốt ngày quanh quẩn với đàn chim bồ câu Pháp.
Mùa này, có đi đến làng rau các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết mới thấy cảm giác thật dễ chịu trước màu xanh tươi non, mướt mát của những luống rau. Mùa rau Tết cũng là lúc người trồng rau nghĩ đến chuyện tích lũy sau một năm lao động miệt mài…
Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt.