Ông Hai "Cua Gạch"
Hai Kiên (Nguyễn Trung Kiên, ngụ ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) được nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận biết đến bởi sáng kiến: “Nuôi dưỡng cua ít gạch, cua óp và cua y mềm thành cua gạch, bán giá cao”.
Nhiều người còn ví von đặt cho anh Kiên cái tên là Hai "cua gạch”, để nói đến sự thành công của anh trong mô hình làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế này.
Tiếp xúc với chúng tôi, Hai Kiên tâm sự: "Từ trước đến nay nông dân mình cứ áp dụng theo mô hình nuôi cua truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn tính kỹ lưỡng, tui quyết định mua cua y mềm, cua óp… để nuôi dưỡng trong thùng nhựa (xô nhựa), 1 thùng nuôi 1 con, cho ăn để chúng trở thành cua gạch, bán được giá. Không ngờ cách làm của tui mang lại hiệu quả sau 15 ngày nuôi. Đặc biệt là với mô hình này không cần nhiều đất, nhiều tiền mà những người ít đất, ít tiền cũng có thể làm được”.
Quan sát mô hình làm ăn mới lạ này của Hai Kiên, chúng tôi ngạc nhiên vô cùng vì tất cả dụng cụ trang bị không tốn kém gì mấy. Người không biết kỹ thuật chỉ cần học sơ qua là có thể làm được. Tại nhà xưởng của Hai Kiên, gọi là nhà xưởng cho vui vậy chứ góc làm ăn của người nông dân này chỉ khoảng 100m2, chúng tôi ghi nhận dụng cụ chỉ có hơn 100 cái thùng nhựa, 2 cái phuy chứa nước, 2 bình chạy ô xy, 1 mô tơ điện và một số dụng cụ phụ khác như: ống dẫn ôxy, lưới dùng để đậy lên thùng nuôi cua…
Theo chỉ dẫn của Hai Kiên, cách nuôi cua trong thùng nhựa này cũng không có gì là phức tạp. Đầu tiên dùng nước trong vuông đã qua xử lý bằng vôi và được lắng lọc trước 24 giờ, sau đó đổ nước vào nửa thùng mới thả cua vào, cột theo một ống mủ để thông ôxy, trên nắp thùng trùm lưới để tránh cua bò ra và cho cua ăn vào mỗi chiều tối với hàm lượng 10gam cá tạp/1 con cua.
Chỉ như vậy là sau 15 ngày cua nuôi có thể bán được. Theo tính toán của người nông dân này thì nếu mua 50-70 kg cua y mềm và cua óp, giá từ 100-150 đồng/kg, cộng thêm tiền thức ăn là cá tạp, tiền điện chạy ôxy… tính ra cũng không nhiều, nhưng 1 tháng có thể nuôi 2 đợt. Sau khi thu hoạch sản lượng cua không thay đổi, mà trong tổng số 50-70kg cua nuôi trước đó thì có đến 2/3 là cua gạch, còn lại là cua cứng. Với giá thì trường hiện nay nếu trừ đi chi phí cũng lời vài triệu đồng.
Thấy mô hình nuôi cua gạch trong thùng của anh Kiên thành công, nhiều nông dân đã đến học hỏi cách thức làm và đã có thu nhập cao hơn sau vài tháng nuôi. Nông dân Lưu Minh Chiến nhẩm tính, với cách làm mới mẻ này, trung bình 1 năm người nuôi có thể sản xuất được đến 24 vụ/12 tháng, lãi khoảng 50%/vụ.
Nhiều người dân cho rằng, đây có thể là mô hình làm ăn có hiệu quả cao nhất từ trước đến nay, vì việc nuôi cua gạch, cua thịt theo mô hình này không đòi hỏi khoa học kỹ thuật cao, phương tiện nuôi cũng hết sức đơn giản, thời gian nuôi ngắn, chi phí thấp...Do vậy, ngành chức năng địa phương cần nhân rộng mô hình làm ăn này để giúp nông dân sản xuất có thu nhập cao hơn
Có thể bạn quan tâm
Trái cóc là một loại quả có nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc trái cóc dùng để ăn (có vị ngọt và hơi chua, rất dễ ăn), lá cóc còn dùng để nấu canh chua - món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng
Lâu nay, nghề nuôi yến chủ yếu phát triển mạnh ở các vùng ven biển miền Trung, nhất là tỉnh Khánh Hòa, bởi nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để nghề này phát huy hiệu quả cao. Những năm gần đây, nghề nuôi yến bắt đầu phát triển tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tại Dầu Tiếng (Bình Dương), nghề nuôi yến được bà con nông dân thử nghiệm thành công, trong đó mô hình nuôi yến tại nhà của bà Vũ Thị Tuất, ngụ ấp Tân Phú, xã Minh Tân là một điển hình.
Cuối cùng, điều lo lắng nhất cũng đã xảy ra: Dịch tai xanh trên lợn sau nhiều tháng hoành hành tại miền Bắc đã bắt đầu "tấn công" các tỉnh phía Nam. Bạc Liêu và Đồng Nai là những tỉnh đầu tiên dịch bệnh này tràn đến...