Dồn Sức Chống Hạn Cho Lúa
Ông Trần Văn Thọ - PGĐ Cty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị cho biết năm nay diễn biến thời tiết, khí hậu bất thuận, vụ đông xuân 2011 kéo dài hơn một tháng nên tình hình nước tưới chống hạn cho lúa vụ hè thu cũng hết sức căng thẳng.
Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã xuất hiện nắng hạn hại lúa, nguy cơ gần 1.000 ha lúa bị thiếu nước tưới. Nắng hạn khá gay gắt, lượng nước trong các hồ thuỷ lợi đã tụt xuống mức thấp nhất. Đến ngày 27/8, tại hồ chứa nước Trung Chỉ dùng để tưới cho lúa mùa ở TP Đông Hà và huyện Triệu Phong, nước chỉ còn 90.000/1,9 triệu m3, sát mực nước chết. Còn tại vùng Bắc sông Hiếu như các huyện Gio Linh, Cam Lộ, sử dụng nguồn nước tưới từ hệ thống các hồ thuỷ lợi Nghĩa Hy, Trúc Kinh... và sông Hiếu cũng đang hết sức báo động.
Ông Nguyễn Thanh Lân - GĐ Xí nghiệp Thuỷ nông Gio Cam Hà, đơn vị quản lý và tưới tiêu cho hơn 10.300 ha lúa của hai huyện Cam Lộ, Gio Linh cho biết, vụ này nước mặn xâm nhập từ biển rồi ngược sông Hiếu lên có hôm chỉ cách TP Đông Hà hơn 8 km, trạm bơm Bắc Hiếu phải ngừng hoạt động vì mặn. Lúc cao nhất có 3.000 ha lúa thiếu nước tưới.
Tại hồ chứa nước Nghĩa Hy ở huyện Cam Lộ, hạn làm khô trơ đáy, lượng nước chỉ còn 290.000m3/3,4 triệu m3. Song muốn tưới đủ cho lúa hè thu của hai huyện Cam Lộ và Gio Linh trong thời gian còn lại thì đúng ra lượng nước trong hồ phải còn khoảng 800.000m3. Ngoài ra, các hồ chứa nước Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn nước cũng cạn kiệt. Nếu hạn xuất hiện kéo dài tình hình nước tưới cho lúa rất nguy kịch.
Trước tình hình cấp bách về nước tưới, Cty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị ngay từ đầu vụ đã có những chỉ đạo kịp thời. Các xí nghiệp, công ty khai thác thuỷ lợi, các địa phương phải tưới tiêu tiết kiệm và tưới luân phiên cho lúa; đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước; đắp các trục chặn nhằm không cho nước thất thoát; tập trung ngăn không cho mặn có điều kiện xâm nhập vào ruộng đồng... Cùng với đó, Cty đã phối hợp với các huyện, thị vận động bà con sử dụng nước tưới lúa hết sức tiết kiệm và khoa học, chỉ tưới những lúc cần thiết nhất.
Đề nghị Trung ương quan tâm hơn nữa cho Quảng Trị, ủng hộ cho địa phương này 10 tỷ đồng để có thêm nguồn lực chống hạn, đảm bảo vụ hè thu thắng lợi. (Ông Trần Văn Thọ - PGĐ Cty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị)Dọc hệ thống các trạm bơm trên sông Hiếu do bị mặn sớm xâm nhập nên tập trung hàng trăm công nhân chặn sông Hiếu để ngăn mặn, đồng thời để nước dâng lên phục vụ các máy bơm phía thượng nguồn hoạt động. Tại vùng khô hạn ở huyện Gio Linh, xả nước còn lại từ các hồ Trúc Kinh, Hà Thượng về sông Cánh Hòm để bơm nước tưới cho lúa, kịp thời cho cây lúa phát triển trong thời kỳ trổ đòng.
Trên công trình hồ chứa nước Nghĩa Hy, Cty đã lắp đặt thêm một hệ thống đường dây kéo điện vào để bơm phần nước ngọt ít ỏi còn lại trong hồ tưới cho lúa. Những ngày này, ngành điện lực đang hối hả thi công kịp thời đường dây điện phục vụ việc bơm nước của hồ Nghĩa Hy. Nhìn hồ chứa nước Nghĩa Hy to lớn mênh mông là thế mà giờ khô trơ đáy thật đáng lo âu. Nhiều nông dân tranh thủ cơ hội này để dựng trại chăn nuôi vịt và trâu bò.
Ông Trần Văn Thọ - PGĐ Cty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị, băn khoăn trước tình hình thời tiết rất bất thường. Bây giờ còn tháng Tám âm lịch nữa, mà thông thường đây là tháng có nắng hạn rất lớn. Trùng với thời gian này cũng gặp lúc lúa trổ nên rất cần nguồn nước tưới. Đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới cho lúa mùa hè thu, Cty đã tập trung mọi nguồn lực chống hạn tích cực, lấy nước tưới lúa nhưng đang gặp muôn vàn khó khăn
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt các vụ bắt giữ cá tầm nhập lậu được cơ quan chức năng thực hiện gần đây, song lượng cá tầm Trung Quốc giá rẻ đổ bộ qua biên giới vào nội địa vẫn rất nhiều, khiến người nuôi cá tầm trong nước khốn khó.
Theo thống kê, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây thường xuyên đạt 1,1 đến 1,2 triệu con. Toàn tỉnh có 430 trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Cùng với sự phát triển chăn nuôi thì nguy cơ dịch bệnh cũng gia tăng.
Những năm gần đây, trồng ca cao là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Chỉ riêng tại Hưng Lộc, xã có diện tích trồng ca cao nhiều nhất huyện, đã có trên 80 hécta.